Các nữ sinh với bài tập “slow 0” về giữ thăng bằng và kiểm soát trên sân khấu |
Đứng đối diện nhau ở phía cuối hội trường mờ ảo, hai nhóm nữ sinh từ từ tiến vào giữa, tiếng đàn violon chầm chậm vang lên và một giọng nói từ bên ngoài vọng vào: “Hãy tưởng tượng có hai sợi dây đang quấn chặt eo các em, một đầu kéo lên trước và một đầu kéo về sau, hãy vùng vẫy nếu muốn tiến lên phía trước”.
Sức hút của sân khấu
Các học sinh này phải cố gắng hết sức để giữ cho bước chân, tư thế, nhịp thở ở mức cân bằng. Chỉ cần một dao động nhỏ cũng sẽ làm hỏng đội hình, giống như một nốt nhạc sai sẽ phá hỏng cả khúc nhạc được chuẩn bị kĩ. Nhìn lướt qua đây giống như một buổi tập thể lực trong võ thuật nhưng mục đích của buổi tập này tại Trường nữ sinh Trung học Tanjong Katong không chỉ đơn thuần về thể chất mà đó là phương pháp tập kịch theo nguyên tắc “10 chậm” (10 slow). Đây là cách thức di chuyển sử dụng các bước chân một cách nhịp nhàng nhằm thu hút sự tập trung theo dõi của khán giả. Khi các nữ sinh tụ họp lại, ông Mohd Firdaus – giáo viên chỉ dẫn đưa ra lời nhận xét: “Các em di chuyển còn nhanh, một số người còn lắc lư, chưa kiểm soát được phần thân trên. Sẽ dễ dàng hơn nếu các em tập trung chú ý vào một mục tiêu ở phía trước”. Sau lời nhận xét của thầy, các nữ sinh quay lại vị trí cũ cho lần tập thứ hai. Đối với các diễn viên tương lai, đây chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày trong lớp kịch “Mức 0” (0 level). Tanjong Katong là một trong những trường trung học đầu tiên ở Singapore đưa môn kịch “Mức 0” vào chương trình giảng dạy trong năm 2006. Các học sinh mới vào trường nếu hứng thú với môn kịch sẽ có cơ hội tham khảo kinh nghiệm từ những anh chị đi trước thông qua chương trình “Bồi dưỡng tài năng sân khấu”. Theo ông Firdaus, học sinh nào muốn tiếp tục theo đuổi môn nghệ thuật này sẽ tham gia lớp “Tuyển chọn diễn viên kịch” trong học kì 2 nếu đậu qua vòng thử giọng. Mọi thứ sẽ trở nên chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn trong học kì 3 đối với những ai thật sự có quyết tâm, họ sẽ phải trải qua một vòng thử giọng tiếp theo nếu muốn được học trong lớp kịch “Mức 0”. Hiện tại có khoảng 24 nữ sinh tham gia lớp học này với thời lượng 5 giờ mỗi tuần. Vì là một môn học nên kịch cũng có các bài kiểm tra đánh giá chất lượng như các môn khác. “Cảm giác thật đặc biệt, tôi thật sự thích được thể hiện mình, được la lớn và diễn xuất trên sân khấu”, nữ sinh Stacey Shamini sau khi diễn cảnh phải tránh cái bàn và té xuống sàn nhà kể lại một cách hào hứng. Stacey thổ lộ: “Khi còn nhỏ, suy nghĩ về kịch của chúng tôi chỉ đơn giản là về Hollywood. Nhưng những gì chúng tôi học được ở đây hoàn toàn không chỉ về diễn xuất. Các bài tập theo nguyên tắc “10 chậm” (slow 10) nhằm khai thác các tác động hữu hình thông qua các động tác câm. Tất cả các cử động của chúng tôi, từ nét biểu cảm trên gương mặt, phong thái đến giọng nói đều đóng vai trò rất quan trọng”.
Từ đương đại đến cổ điển
Hiện tại, các học sinh đang trong quá trình tập luyện vở The Coffin Is Too Big for the Hole của nhà văn đương đại người Singapore, Kuo Pao Kun. Tuy nhiên, Annetta – một thành viên của nhóm kịch – hy vọng trong năm nay, kiến thức và cảm nhận về lịch sử của cô sẽ được nhìn nhận và đánh giá đúng mức thông qua việc có cơ hội thử sức với các tác phẩm kinh điển như The Importance of Being Earness của tác giả Oscar Wilde. Annetta cho hay: “Diễn viên kịch cần có trí tưởng tượng phong phú cũng như khả năng diễn xuất linh hoạt thì mới có thể hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau trên sân khấu. Tham gia lớp Kịch nghệ, tôi có thêm nhiều mối quan hệ cũng như hiểu và đồng cảm hơn với những người xung quanh”. Còn đối với Stacey, kịch giúp cô mở ra một thế giới mới không chỉ đơn thuần trên sân khấu. Cô cười đầy tự hào: “Tôi không còn nhút nhát, rụt rè như xưa mà trở nên hòa đồng, cởi mở hơn. Bây giờ, mỗi khi có ai cần tình nguyện viên, tôi luôn là người xung phong đầu tiên”.
(theo schoolbag.sg)
Thiên Kim
Bình luận (0)