Chú bé Lim Ding Wen là nhà lập trình ứng dụng iPhone nhỏ tuổi nhất thế giới |
Từ việc tạo ra những ứng dụng cho điện thoại iPhone đến những chuyện nghiêm túc như quản lý máy chủ, một nhóm nhỏ các thiếu niên Singapore đang dấn thân vào thị trường công nghệ đầy tiềm năng này.
Kể từ lúc Lim Ding Wen, 10 tuổi, nổi tiếng vào năm ngoái là người phát triển ứng dụng iPhone trẻ nhất thế giới, thêm ba thiếu niên nữa đã xuất hiện như những thần đồng công nghệ đầy hứa hẹn. Còn Ryan Lee – 13 tuổi, sau khi bỏ ra một năm tự học lập trình game, đã sáng tạo ra 33 trò chơi trực tuyến. Hay Xavier Lur (16 tuổi) và Zhou Tong (15 tuổi) lại phát huy tài năng trong lĩnh vực quản lý máy chủ và phần mềm nguồn mở.
Điểm chung của các thần đồng
Tất cả đều bắt đầu sử dụng máy tính từ lúc còn rất nhỏ. Mới lên 2, Ding Wen đã biết khởi động máy tính và sử dụng chuột chạy chương trình. Bố em cho biết khi lên 7, Ding Wen đã học được 9 ngôn ngữ lập trình. Tương tự, Ryan khi lên 2 biết chơi trò chơi trên máy tính, vào lớp mầm biết vẽ bằng phần mềm hoạt hình và lên lớp lá đã biết ứng dụng hoạt hình Adobe Flash.
Tuy nỗ lực của các thần đồng này không biến thành tiền bạc nhưng thành quả của họ đã khiến cộng đồng internet chú ý. Ứng dụng iPhone đầu tiên của Ding Wen là trò chơi vẽ hình cho trẻ em với tên gọi Doodle Kids đã có 680.000 lượt tải về. Gần đây khi chuyển đổi ứng dụng này cho sản phẩm mới đang ăn khách của hãng Apple là thiết bị cầm tay iPad, trò chơi Doodle Kids được xếp hạng 28 trong top 100 ứng dụng được tải về nhiều nhất. Trò chơi thứ hai Ding Wen viết cho iPhone là Invader War, đã thu hút khoảng 3.000 lượt tải về. Cho tới nay, Ding Wen đã sáng tạo hơn 20 ứng dụng, chủ yếu cho máy iPhone, điện thoại dùng hệ điều hành Android và máy tính. Thật đáng nể đối với một cậu bé đang học lớp 4. Ding Wen cho biết: “Viết xong trò chơi và thấy nó chạy tốt, tôi vui lắm”.
Tùy theo độ phức tạp, Ding Wen có thể hoàn tất một ứng dụng trong vòng một ngày hay trong một năm. Còn Xavier và Zhou Tong sau khi lập ra hệ thống mạng blog TechXav đã thu hút rất nhiều thành viên với lượng truy cập trung bình 100.000 lượt/ tháng.
Bí quyết nuôi thần đồng
Ông Lee, bố của Ryan chia sẻ: “Có quá nhiều trẻ em ngày nay chỉ biết hưởng thụ. Trong trường hợp con tôi, tôi tạo cho cháu ý thức tham gia vào quá trình sáng tạo và sản xuất”. Ông cũng cho biết ông đã khuyên con trai bớt thời gian chơi game l¡i. Hiện nay, các trường học Singapore cũng góp phần hình thành ý thức về CNTT cho trẻ em. Nhiều dự án giáo dục của nước này đã tích hợp công nghệ thông tin – viễn thông hiện đại nhất vào các hoạt động dạy – học. Cục Phát triển Truyền thông Singapore cũng cấp hàng loạt tài trợ để phát triển trò chơi máy tính. Dự án tài trợ mới nhất là hơn 10 triệu USD trong vòng ba năm để phát triển các trò chơi thế hệ mới.
Ông Lim, bố của Ding Wen nói ông nhận ra khoảng cách thay đổi rất lớn trong cách nhìn nhận về trò chơi máy tính trong mấy thập niên qua. Ông cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, chơi game là trò dành cho trẻ em hư hỏng. Bây giờ, game lại là công cụ hữu dụng. Giống như đọc sách vậy, vấn đề là chơi game gì. Chơi game tốt thì trẻ sẽ tốt”.
Bệ phóng gia đình
Năm trước, khi Ding Wen bộc lộ nhiều triển vọng về tài năng lập trình, bố em đã quyết định nghỉ việc để ở nhà giúp con thực hiện ước mơ trở thành chuyên gia phần mềm. Tháng trước, ông Lim đã lập ra website Virtual GS để công bố những phần mềm của hai bố con sáng tạo ra. Cả hai tập trung vào các ứng dụng cho ĐTDĐ, chủ yếu là trò chơi trên nền tảng trò Java.
Ông Lim vốn là kỹ sư trưởng của một công ty internet. Bây giờ, thu nhập của ông chỉ bằng một phần nhỏ so với lúc còn đi làm, nhưng ông tin vào triển vọng của cậu con trai 10 tuổi. Ông cho biết, thu nhập hiện nay từ website Virtual GS là hơn 1.000 USD/ tháng, đủ trang trải cho các chi tiêu cơ bản của gia đình. Ngoài Ding Wen, ông Lim còn có hai bé gái nữa, lên 6 và 4, nhưng ông nói mình chẳng có bí quyết gì để nuôi dạy con thành thần đồng cả. “Điều quan trọng là đừng ép buộc chúng làm gì hết. Bạn không cần phải dạy chúng về máy tính, chúng tự nhiên biết mà thôi. Tôi luôn bảo Ding Wen rằng con không phải là thiên tài. Chỉ cần có môi trường thích hợp thì đứa trẻ nào cũng làm được như con” – ông nói.
(Theo The Straits Times)
Ngân Du
Bình luận (0)