Edwin Poh và chiếc Cúp Traders Trophy Worldwide |
Edwin Poh, một sinh viên ngành kế toán – tài chính đã vượt qua 650 người khác để giành giải thưởng 1.000 Euro và cúp danh dự trong cuộc thi giao dịch chứng khoán dành cho sinh viên quốc tế.
Từ nhỏ, Edwin Poh (24 tuổi) đã quen thấy cha của mình – là một công chức nhà nước – chơi chứng khoán. Ngay cả sau một ngày dài làm việc ở cơ quan, về nhà rồi ông Poh vẫn gọi điện cho người môi giới của mình theo dõi và cập nhật giá cổ phiếu. Mỗi lần giao dịch thành công, cả hai cha con đều vui mừng. Theo thời gian, tình yêu đối với những con số trên sàn chứng khoán đã in dấu trong lòng Edwin Poh.
Thi thử thắng thiệt
Trước kỳ nghỉ năm mới, Edwin Poh đã đoạt được Cúp Traders Trophy Worldwide. Đó là một cuộc thi giao dịch chứng khoán giả lập dành cho các sinh viên quốc tế do sàn giao dịch Oxyor (Hà Lan) tổ chức. Trong một phòng giao dịch điện tử giả lập, các thí sinh phải đề ra những quyết định chớp nhoáng để mua hay bán cổ phiếu dựa theo những dòng tin tức thị trường đang đổ về, các biến động giá, cùng các tương tác trực tuyến với các “nhà giao dịch” sinh viên khác.
Là sinh viên Đại học Quản trị Kinh doanh Singapore (SMU), Edwin hiện đang học theo chương trình trao đổi sinh viên ba tháng tại thành phố Maastricht của Hà Lan. Anh quyết định tham gia vòng thi thử của cuộc thi chứng khoán sinh viên này vào tháng 11 vừa qua. Edwin nói: “Chỉ thi cho vui”. Một khởi đầu chỉ là ngẫu hứng nhưng rồi bất chợt hóa ra lại thành công lớn khi Edwin vượt qua 650 sinh viên khác để đoạt cúp vàng danh dự và giải thưởng tiền mặt là 1.000 Euro.
“Bí quyết thành công của tôi rất đơn giản”, Edwin nói. Thay vì chăm chăm vào những giao dịch có lợi nhuận tối đa, anh chỉ tập trung vào những giao dịch có mức thua lỗ tối thiểu. Trong vòng chung kết trước lễ Giáng sinh, Edwin cùng với 41 sinh viên khác bước vào vòng thi chung kết. Họ phải thi tài giao dịch chứng khoán trên cổ phiếu của 4 công ty: hãng bia Heineken, hãng hàng không KLM, hãng hàng không Air France và chuỗi siêu thị Ahold.
Điều ngạc nhiên là khoản lợi nhuận 1.000 Euro mà Edwin giành được trong phiên giao dịch chung kết lại không phải là khoản lợi nhuận lớn nhất. Tiêu chí chấm giải của ban giám khảo không căn cứ vào số tiền lãi mà căn cứ vào khả năng phán quyết nhạy bén và độ an toàn cao.
Không hề biết thí sinh đối thủ nào thu được khoản lợi nhuận lớn nhất trong vòng chung kết, Edwin cho rằng: “Tôi thắng có lẽ nhờ may mắn. Tôi luôn quan tâm đến chuyện thua lỗ hơn là lời lãi. Chẳng hạn, nếu tôi không nôn nóng chạy theo cổ phiếu Heineken khi giá tăng nhanh thì tôi sẽ dễ xoay xở khi giá cổ phiếu này biến động bất lợi cho tôi. Có lẽ điều đó đã gây ấn tượng tốt với ban giám khảo”.
Cảm giác tuyệt nhất trần đời
Kinh nghiệm trong một cuộc thi giao dịch tương tự ở Singapore năm 2008 có thể cũng đã góp phần giúp Edwin chiến thắng lần này. Cuộc thi giao dịch chứng khoán giả lập này được tổ chức hàng năm dành cho sinh viên ở 6 khu vực: Dubai, Hồng Kông, Hà Lan, Singapore, Nam Phi và Thụy Điển.
Sau khi đoạt cúp cuộc thi ở Hà Lan, Edwin đang háo hức chờ ngày tốt nghiệp đại học vào tháng 6 này và một tuần thực tập tại một công ty tài chính ở Chicago (Mỹ). Làm việc trong thế giới thương mại là niềm say mê của cậu sinh viên Edwin. Nhưng thật ra, Edwin chưa nghĩ đến chuyện biến đam mê này thành sự nghiệp dài lâu. Ngành học kế toán – tài chính của Edwin rất dễ kiếm việc làm ở Singapore – vốn là một trung tâm tài chính lớn của thế giới, thế nhưng Edwin vẫn đắn đo. Anh cho biết: “Đây là một nghề rất căng thẳng. Cùng một lúc, vừa theo dõi thông tin, vừa tiếp điện thoại của khách hàng, vừa bàn luận những chiến lược giao dịch với đồng nghiệp, không phải là chuyện dễ dàng và có thể làm liên tục hết ngày này sang ngày khác”.
Edwin thường xuyên đọc tin tức về kinh tế – tài chính trên website của hãng tin Bloomberg News và rất hứng thú với các cuốn sách chuyên đề về tâm lý kinh doanh. Anh bộc lộ: “Bây giờ tôi hiểu tại sao các nhà môi giới chứng khoán lại nói rằng cảm giác ngây ngất sau một giao dịch thành công là cảm giác tuyệt nhất trần đời”. Hiện nay, Edwin chỉ muốn tìm việc làm trong ngành ngân hàng sau khi ra trường. Bây giờ thì cậu sinh viên Trường SMU năm cuối đã hiểu được cảm xúc của bố mình khi thành công sau những lệnh giao dịch cổ phiếu.
Yên Nhạn
(Theo The Strait Times)
Bình luận (0)