Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Singapore: Việt Nam là mục tiêu đầu tư giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Hệ thống giáo dục mầm non song ngữ của Singapore rất nổi tiếng

Báo The Business Times tuần qua nhận định: giáo dục theo chuẩn quốc tế ở Việt Nam đang là mục tiêu của các nhà đầu tư giáo dục Sigapore.
Trong bài viết có tựa “Education players eyeing Vietnam”, nhà báo Chuang Peck Ming viết: “Giáo dục đang là nhu cầu lớn ở Việt Nam. Và Singapore có thể tham gia đáp ứng”.
Từ trường mầm non…
Chiong Woan Shin, Giám đốc đặc trách khu vực Việt Nam và Campuchia của Tổ chức International Enterprise Singapore cho biết: “Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư giáo dục Singapore”. Theo bà Chiong, phần lớn những người trẻ của Việt Nam có xu hướng chuyển về các đô thị lớn để học tập và sinh sống. Kết quả là cư dân đô thị ngày càng tăng và tạo ra một thị trường lớn cho dịch vụ giáo dục mầm non.
Thực tế, nhu cầu về giáo dục mầm non ở Việt Nam đã tăng nhanh đến mức Chính phủ cho phép sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Các nhà đầu tư giáo dục Singapore đặc biệt quan tâm đến số liệu mà báo điện tử tiếng Anh VietnamNet Bridge công bố: “Khoảng 60% trẻ em Hà Nội được gửi đến các trường mầm non tư thục vì các cơ sở của Nhà nước đã quá tải”.
Bà Chiong cho hay, số người giàu có ở Việt Nam đang tăng lên đồng nghĩa với đòi hỏi về chất lượng giáo dục của họ cũng cao hơn. Nhu cầu này phản ánh rõ qua sự phổ biến của các chương trình giáo dục song ngữ Anh – Việt và số lượng trường tư thục giảng dạy theo chương trình quốc tế. “Khi tổ chức đầu tư giáo dục mầm non NTUC First Campus’ Little Skool-House International bước vào thị trường Hà Nội vào tháng 3-2009 để mua lại quyền sở hữu một ngôi trường tư thục hiện có, số lượng học sinh đăng ký đã tăng gấp đôi”, bà nói.
… đến trường dạy nghề
Không riêng mầm non, tờ The Business Times còn nhận thấy Việt Nam đang rất quan tâm xây dựng một lực lượng lao động vững mạnh để phát triển kinh tế. Đây là cơ hội để Singapore đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, trong năm 2006 chỉ có 21% nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Mục tiêu của năm 2010 là tăng con số này lên 26%. Lĩnh vực dạy nghề có nhu cầu lớn ở Việt Nam hiện nay là cơ khí, xây dựng, lập trình máy tính và chế biến nông sản.
Các nhà đầu tư Singapore cho rằng họ có đủ kinh nghiệm và khả năng cạnh tranh trong mục tiêu đầu tư này. Gina Kek, Phó giám đốc phân ngành dịch vụ kinh doanh của tổ chức IE Singapore tin rằng các nhà đầu tư giáo dục của nước mình có lợi thế cạnh tranh ở thị trường Việt Nam, hơn hẳn nhiều đối thủ khác. Lý do bà nêu ra là vì “Singapore là một thương hiệu về chất lượng và uy tín”. Theo bà Gina, hệ thống giáo dục song ngữ hiệu quả từ lâu của Singapore rất hấp dẫn đối với phụ huynh Việt Nam vì “Singapore nổi tiếng với các chương trình đào tạo song ngữ có tầm quốc tế, có chất lượng cao và được nghiên cứu rất kỹ”.
Các nhà đầu tư giáo dục Singapore – cả trong hệ thống mầm non lẫn trường nghề và trường kỹ thuật – đã có rất nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc quảng bá dịch vụ giáo dục sang thị trường châu Á.
Tuy nhiên, tờ The Business Times cũng chỉ rõ trở ngại của các nhà đầu tư Singapore trong thị trường giáo dục Việt Nam. Khi uy tín về dịch vụ giáo dục của họ gần đây đã bị ảnh hưởng vì đầu tư theo kiểu chụp giựt hoặc nhân sự được tuyển dụng ở Việt Nam không được đào tạo đúng tiêu chuẩn. Điều này khiến nhiều phụ huynh Việt Nam phải cân nhắc khi chọn trường Singapore cho con mình.n
 (Theo The Business Times)
YÊN NHẠN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)