Siêu cảng tự động lớn nhất thế giới trị giá 40 tỉ USD ở Singapore dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2040 nhằm giải quyết tình trạng vận tải biển rối loạn.
Container ở một cảng đầu mối tại Singapore.
Khi các nền kinh tế thế giới vật lộn để tháo gỡ tình trạng tắc nghẽn chưa từng có trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một trong những cảng bận rộn nhất thế giới đang ủng hộ kế hoạch hiện đại hóa đầy tham vọng nhằm cung cấp các giải pháp.
Singapore đang thực hiện dự án trị giá 40 tỉ USD để xây dựng cảng tự động lớn nhất thế giới vào năm 2040 – dự án sẽ tăng gấp đôi diện tích hiện có và trang bị máy bay không người lái cũng như các phương tiện không người lái. Chính quyền Singapore đã bắt đầu hoạt động tại hai bến mới vào năm ngoái và công việc xây dựng đang tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo.
Việc tăng cường công suất và tốc độ cho các cảng ngày càng trở nên cấp thiết vì đại dịch đã thay đổi bản chất của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ thống vận chuyển đã bị phá vỡ do các nhà xuất khẩu ở Châu Á gặp trở ngại trong việc vận chuyển hàng hóa đến khách hàng ở Mỹ và Châu Âu, và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn trong năm nay với các vụ đóng cửa do COVID-19 ở Trung Quốc và chiến sự ở Ukraina.
Do nằm ở eo biển Malacca, Singapore là điểm dừng chân thường xuyên trên các tuyến đường container kết nối các nhà máy ở Châu Á với người tiêu dùng ở Châu Âu. Cảng biển Singapore – nơi xử lý nhiều hàng hóa được vận chuyển nhất trên thế giới vào năm 2020 – đã vượt qua đại dịch tốt hơn hầu hết các cảng khác.
Tờ SCMP dẫn lời Choi Na Young Hwan – trưởng nhóm phân tích hậu cần quốc tế tại Viện Hàng hải Hàn Quốc – cho biết, Singapore là trung tâm trung chuyển lớn nhất thế giới, một vị trí mà nước này sẽ giữ trong nhiều năm tới. Singapore đang tự đặt mình làm tiêu chuẩn cho các cảng khác.
Singapore là điểm dừng chân thường xuyên trên các tuyến đường biển vận chuyển container giữa Châu Á và Châu Âu.
Quốc đảo sư tử nhỏ bé có vẻ là một nơi khó mở rộng, nhưng đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ như Thượng Hải (Trung Quốc), chính quyền Singapore đã bắt đầu phân bổ vốn vào năm 2013 để thu hồi đất nhằm xây dựng một cảng biển mới, Tuas, trên bờ biển phía tây của đất nước. Cảng này cuối cùng sẽ tăng gấp đôi công suất lên 65 triệu TEU (đơn vị đo lường tương đương container 20 feet) vào năm 2040.
Kế hoạch được đặt ra từ rất lâu trước khi bắt đầu xảy ra biến động chuỗi cung ứng. Đầu tư vào cảng không chỉ là xây dựng thêm đường và xe tải, mà còn là cải thiện khả năng của cảng trong việc theo dõi và điều phối những gì đang xảy ra trên biển với tất cả các bộ phận cần thiết để vận chuyển container trên đất liền.
Singapore sẽ vận hành các phương tiện dẫn đường tự động để di chuyển nhiều container hơn tới các bến tàu. Drone sẽ được sử dụng để giao hàng từ bờ đến tàu và hỗ trợ các nhân viên an ninh kiểm tra.
Công nghệ được nâng cấp sẽ tiết kiệm nhân lực trong cuộc khủng hoảng lao động toàn cầu. Tuy nhiên, cảng Singapore muốn tiến một bước xa hơn bằng cách tích hợp hệ thống thông tin, cho phép theo dõi hàng hóa và thông báo nhu cầu tăng đột biến cho tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng.
Chiến lược của Singapore là tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, vì sự chậm trễ trên toàn cầu đang buộc các con tàu phải suy nghĩ lại xem sẽ dừng ở đâu trên tuyến đường. Mục tiêu của cảng là làm cho chính nó hiệu quả hơn để các tàu thực hiện mọi nhu cầu: từ ngân hàng, tiếp nhiên liệu đến dỡ hàng container và lưu trữ ở đó cho đến khi có tàu tiếp theo.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)