Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sinh bệnh vì ít vận động

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ThS.BS Lê Thanh Phong – Trưởng đơn vị phẫu thuật mạch máu (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM), bệnh huyết khối tĩnh mạch là do tắc nghẽn mạch máu thường xảy ra tại các tĩnh mạch sâu trong cơ thể, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là ở bắp chân và bắp đùi, thường gây đau nhức và lở loét. Và nguyên nhân dễ dẫn đến chứng bệnh này là do ít vận động.

BS Phong cho biết, huyết khối tĩnh mạch sâu trong đó có huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là bệnh nguy hiểm, thường hay gặp nhất là từ độ tuổi 45. Bệnh có biểu hiện đa dạng từ không có triệu chứng đến đau chân, da chuyển sang màu xanh tím, phù căng, thậm chí hoại tử tĩnh mạch.

Sưng đau và lở loét bắp chân

Cách đây một tháng, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM tiếp nhận một phụ nữ tên N.N.L 48 tuổi quê ở Tiền Giang trong tình trạng chân trái sưng phù và đau nhức từ bàn chân đến bắp đùi. Sau khi siêu âm mạch máu và chụp cắt lớp, các BS đi đến kết luận bệnh nhân L. bị tắc nghẽn các tĩnh mạch sâu do huyết khối nên lan rộng từ tĩnh mạch cẳng chân đến tĩnh mạch ổ bụng. Sau khi phẫu thuật để lấy huyết khối và đặt sten tĩnh mạch thì bệnh nhân dần dần được bình phục do tĩnh mạch đã được mở rộng giúp máu lưu thông bình thường. Đây là kỹ thuật được áp dụng thành công đầu tiên tại Việt Nam.

Ca mổ huyết khối tĩnh mạch của Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM 

Theo BS Phong, chứng bệnh này có liên quan đến chứng máu đóng cục trong các tĩnh mạch sâu đặc biệt là tĩnh mạch chân. Khi cục máu đông bị bóc tách ra khỏi thành mạch trôi về tim có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, suy phổi cấp và dễ gây tử vong nếu không cứu chữa kịp thời. Ngoài người già những phụ nữ trẻ cũng không miễn nhiễm nhất là trong thời kỳ thai sản. Điều nguy hiểm là căn bệnh này thường không có triệu chứng rõ rệt và chỉ có đau nhức nên người bệnh dễ nhầm sang căn bệnh khác như tê mỏi, sưng đau chân. Vì thế nhiều trường hợp chỉ phát hiện được qua siêu âm chứ không phải từ đánh giá bên ngoài. Nguyên nhân đầu tiên gây ra căn bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là do con người ít vận động, di chuyển mà thường ngồi làm việc một chỗ. Đó có thể do thói quen nghề nghiệp hoặc đặc thù công việc mà không cần phải di chuyển như làm việc văn phòng, bán hàng, dạy học… Khi cơ thể không vận động, máu trong tĩnh mạch sẽ chảy chậm lại và có nguy cơ đông máu, đóng cục. Những người già, người nằm trên giường bệnh lâu ngày cũng dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới do khó di chuyển và không thể vận động được. Các bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, suy hô hấp cấp tính cũng dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Cũng có trường hợp dù vận động nhiều nhưng do tĩnh mạch bị tổn thương bởi tai nạn giao thông hay tai nạn lao động nên gây ra huyết khối tĩnh mạch và chính căn bệnh này lại làm tăng thêm mức độ tắc nghẽn tĩnh mạch sâu khác nằm trong mạch máu.

Thường xuyên vận động và tập thể dục

Theo lời khuyên của BS Trịnh Trung Tiến – giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, để phòng tránh nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu chúng ta cần phải thường xuyên vận động, tránh ngồi làm việc quá lâu trong nhiều giờ đồng hồ. Sau 1 tiếng nên bỏ công việc đi ra ngoài tản bộ. Nếu ngồi một chỗ thì cũng tìm cách co duỗi chân thay đổi tư thế ngồi giúp mạch máu tránh tạo thành huyết khối. Huyết khối tĩnh mạch cũng thường gặp ở những người béo phì, nặng cân nên họ phải thường xuyên đi lại, tập thể dục và tránh ngồi ù lì một chỗ. Một số bệnh nhân sau khi mổ hay phụ nữ sau khi sinh nở không nên nằm một chỗ để dưỡng bệnh mà phải tập đi lại giúp tĩnh mạch lưu thông nhất là ở đôi chân. Hút thuốc lá làm cho động mạch xơ cứng nên cần bỏ thói quen này. Đặc biệt là uống nhiều nước vì nước góp phần giảm nguy cơ máu đông cục. Đối với chị em phụ nữ thuốc ngừa thai cũng gây huyết khối tĩnh mạch nên phải hạn chế sử dụng.

Ngoài thuốc đông máu hiện nay có một số phương pháp trị liệu chứng huyết khối tĩnh mạch như sử dụng tất y tế giúp tránh tổn thương phần mềm, giảm đau sưng và chống lở loét rất hiệu quả. Tuy nhiên việc đeo tất phải kiên trì từ sáng sớm đến chiều tối và trong một thời gian dài mới mong khỏi bệnh. Một kinh nghiệm mà BS thường căn dặn đối với những người suy giãn tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch là kê cao chân khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp cho tĩnh mạch đôi chân giảm áp lực và máu lưu thông dễ dàng hơn.

Bài, ảnh: Quang Phan

Huyết khối tĩnh mạch cũng là căn bệnh phổ biến trong giáo viên do đứng lâu trên bục giảng, nhất là những phụ nữ trong thời kỳ mang thai khó di chuyển. Ngoài lý do di truyền, một số loại thuốc điều trị bệnh ung thư, hormone nữ cũng làm tăng căn bệnh đông máu tĩnh mạch cho con người. 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)