Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh hoạt dưới cờ – Cách tiếp cận kỹ năng sống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Khác hẳn với những buổi sinh hoạt dưới cờ mang tính hình thức và khô khan trước đó, những buổi chào cờ của các trường hiện nay ở TPHCM gần như hơn cả một tiết học với những chuyên đề thú vị và đa dạng. Trò học được những bài học bổ ích và cảm thấy giờ chào cờ trở nên gần gũi hơn. Chào cờ đầu tuần vì thế mà trở thành một hoạt động ngoài giờ mang tính giáo dục cao và

đang được các trường tíchcực đầu tư ý tưởng.

Dạy học sinh sống đẹp

Buổi sinh hoạt dưới cờ tại Trường THPT Nguyễn Du. Ảnh: N.Thủy
Hai tuần vừa qua, chương trình Ước mơ của Thúy đã được đưa vào giờ sinh hoạt chào cờ đầu tuần của Trường THPT Marie Curie, quận 3 và THPT Nguyễn Du, quận 10. Chương trình này đã làm giờ chào cờ tại hai trường trở nên phong phú, hấp dẫn và bổ ích hơn, đồng thời chuyển đến đội ngũ học sinh THPT một tinh thần sống đẹp, sống mạnh mẽ của công dân trẻ TPHCM – “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy và ước mơ của Thúy giúp đỡ các bệnh nhi ung thư.
Khi nghe chị Tố Oanh, chủ nhiệm chương trình Ước mơ của Thúy kể về nghị lực của Thúy trong cuộc đấu tranh chống bệnh ung thư để đến trường, nhiều nữ sinh đã bật khóc. Đào Thị Minh Trang, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ: “Trước đây em cũng đã biết về chương trình Ước mơ của Thúy qua báo Tuổi Trẻ, tuy nhiên lần này được nghe trực tiếp dưới cờ, em mới được biết thêm nhiều về Thúy, đặc biệt khi nghe lá thư do chính Thúy viết để lại cho ba mẹ và mọi người trước khi mất, em không cầm được nước mắt. Những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Thúy vẫn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời, và tiếp lửa cho những bệnh nhân bị ung thư”.
Trần Việt Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Marie Curie nói: “Nghe kể chuyện Thúy mong chờ và khát khao đợi tuổi 20, em cảm thấy mình cần phải sống thật ý nghĩa, trân trọng tuổi trẻ hơn. Em tự hỏi, khi đến tuổi 20, không biết mình có thể làm được điều gì tốt đẹp cho bản thân và cho mọi người xung quanh như Thúy đã làm? Câu chuyện của Thúy đã giúp học sinh chúng em nhận thức bản thân và phát huy tinh thần sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt là gieo vào các em về lòng nhân ái và một lý tưởng sống đẹp, sống có ích”.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Trong bối cảnh tình hình bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, một số học sinh có hành vi tiêu cực trong lớp học thì hình ảnh của đóa hướng dương Lê Thanh Thúy sẽ như một tấm gương đầy sức lay động và thuyết phục, giúp HS TP nhận thức đúng đắn hơn về giá trị bản thân, sống có trách nhiệm và điều chỉnh hành vi của mình”. “Việc sinh hoạt dưới cờ về tinh thần sống đẹp qua chương trình Ước mơ của Thúy đã có sức lay chuyển rất lớn đối với học sinh của trường. Nhiều học sinh sau buổi sinh hoạt dưới cờ đã tự nguyện xin tham gia làm tình nguyện viên của chương trình, thậm chí còn lập một CLB đến thăm các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu”, thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie chia sẻ.

Để học sinh lên tiếng

Bùi Hoàng Huy Vũ, HS lớp 10 Trường THPT Marie Curie nói: “Trong giờ chào cờ trước đây, học sinh phải ngồi im lặng, không được lên tiếng hay nói chuyện, còn giờ đây, tụi em có thể tự do bày tỏ ý kiến, thảo luận, thậm chí hỏi thầy cô về những vấn đề mà mình quan tâm”.
Huy Vũ kể, trước chương trình Ước mơ của Thúy, học sinh Trường Marie Curie đã có một buổi sinh hoạt dưới cờ vô cùng đặc biệt, vì có sự tham dự của các chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Qua buổi trò chuyện dưới cờ với các chiến sĩ công an, học sinh trường học được bài học “tự vệ” khi bị ăn hiếp, võ đạo để chống bạo lực học đường. Thậm chí, kết thúc buổi sinh hoạt, trường còn dự tính mở thêm CLB võ Vovinam để học sinh tập luyện giữ sức khỏe, tự vệ và bảo vệ người khác.
Không riêng gì Trường THPT Marie Curie, nhiều trường khác tại TPHCM cũng đang tìm cách đầu tư thật nhiều ý tưởng mới lạ để làm cho tiết chào cờ đầu tuần vẫn trang nghiêm, sinh động nhưng không kém phần hấp dẫn, gần gũi với học sinh hơn. Đơn cử như tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình, sau giờ làm lễ, hát quốc ca, thực hiện các thông báo mang tính chất bắt buộc, thời gian còn lại nhà trường để dành cho các chuyên đề trong tháng, lồng ghép giờ sinh hoạt chủ điểm gắn với những vấn đề gần gũi với học tập, giáo dục đạo đức cho học sinh. Đặc biệt, HS của trường tỏ ra hào hứng với tiết mục 5 phút kể chuyện của thầy hiệu trưởng.
Còn tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, giờ sinh hoạt dưới cờ làm học sinh hào hứng hơn bằng cuộc thi kiến thức chuyên môn. Học sinh các khối lớp tham gia bốc thăm trả lời câu hỏi, tranh luận về bài vở. Cô Phạm Thị Huệ, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giờ sinh hoạt dưới cờ, nhà trường khuyến khích tối đa học sinh bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình, thậm chí chính các em sẽ làm diễn giả của buổi sinh hoạt. Ngược lại, các thầy cô chỉ đóng vai trò là người gợi mở vấn đề hoặc chia sẻ khi cần”.
Thầy Phạm Đức Hùng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Du cho biết: “Để tiết chào cờ trở nên gần gũi và hấp dẫn đối với học sinh, các trường cần liên tục thay đổi chủ đề sinh hoạt, đặc biệt chọn những chủ đề mà các em quan tâm nhất như việc tạo lập sự nghiệp, định hướng ước mơ, mối quan hệ với gia đình, bạn bè”.
Về phần mình, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, các trường cần tích cực đầu tư hơn nữa cho buổi chào cờ, xem đây là một tiết học nghiêm túc. Việc cải tiến hình thức sinh hoạt dưới cờ đã giúp học sinh dễ dàng tiếp cận các bài học về kỹ năng sống, đồng thời giúp hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đạt được kết quả cao hơn.
NGUYỄN THỦY / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)