Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sinh hoạt dưới cờ sao để thu hút học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân đọc bài viết Đổi mới nội dung tiết chào cờ (ngày 22-1), tôi xin có vài ý kiến chia sẻ thêm về vấn đề này.

Nếu cứ theo một “phiên bản” cứng nhắc trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần như bài báo nêu thì đúng vậy: học sinh không hứng thú nghe, giáo viên cũng ngồi “cho có” để điểm danh chứ cũng không mấy ai nghe vì nó đã nhàm chán. Vì vậy, đổi mới tiết chào cờ là một điều cần thiết; do mỗi trường sáng tạo, năng động trong cách làm để làm sao thầy cô, học sinh đều háo hức chờ đến tiết chào cờ để biết thêm nhiều thông tin, kiến thức mới… Có thể căn cứ vào chủ điểm từng tháng (những ngày lễ, ngày kỷ niệm…) để có những phần trình bày phù hợp thì sẽ có tác dụng giáo dục nhiều mặt. Ví dụ, tháng 3 có ngày Quốc tế Phụ Nữ (8-3), nhà trường giao Tổ lịch sử báo cáo ý nghĩa của ngày này và Tổ ngữ văn sẽ trình bày tham luận: “Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua thơ hiện đại” chẳng hạn. Hoặc đội văn nghệ của trường sẽ trình bày bài ca, điệu múa về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam… Bên cạnh đó, nhà trường có thể giao cho các tổ chuyên môn; đội văn nghệ của trường chuẩn bị những bài hát, hoạt cảnh về các chủ đề của những ngày lễ trong tháng.

Tổ ngữ văn sẽ có chương trình “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”: hàng tuần sẽ giải thích ý nghĩa một số thành ngữ, tục ngữ (có thể do học sinh yêu cầu; cần chọn những thành ngữ, tục ngữ mang tính giáo dục, nhân văn…). Tổ hóa học sẽ trình bày tác hại nhiều mặt của nước ngọt có gas; tác hại của thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ…; hoặc ăn uống ngày Tết như thế nào cho khoa học để đảm bảo sức khỏe. Tổ thể dục trình bày tác dụng nhiều mặt của việc đi bộ; khuyến khích học sinh đi bộ tới trường thay vì lười vận động, một bước đi là lên xe như hiện nay… Rất nhiều đề tài, rất nhiều cách làm khác để biến tiết chào cờ thành một giờ sinh hoạt có ích, thực thụ, náo động, vui tươi; tạo niềm hứng khởi ngay đầu tuần cho học sinh. Điều quan trọng là các trường có chịu làm hay còn ngại khó, ngại khổ?

Tất nhiên phần nhắc nhở của Ban giám hiệu, của Đoàn trường cũng có nhưng nên ngắn gọn, đủ ý, không nói dài dòng để dành thời gian cho những hoạt động khác. Tùy theo từng hoàn cảnh, tôi tin chắc các trường phổ thông sẽ làm được để tiết chào cờ là một tiết học luôn được khắc ghi.

Trường Sa Đông (Sóc Trăng)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)