Với 3 lần đạt điểm tuyệt đối 990 trong kỳ thi TOEIC, Ngô Tấn Hoàng Khoa (sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật nhiệt lạnh Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) vinh dự trở thành một trong 5 “Đại sứ TOEIC Việt Nam 2021”.
Ngô Tấn Hoàng Khoa (sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật nhiệt lạnh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) là một trong 5 “Đại sứ TOEIC Việt Nam 2021”
Ngoài vinh dự trên, Ngô Tấn Hoàng Khoa còn được một trường ĐH ở Hàn Quốc cấp học bổng thạc sĩ và nhận nhiều học bổng của các công ty lớn…
Đọc báo tiếng Anh để rèn ngoại ngữ
Hoàng Khoa là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM). Tuy nhiên, em từng có kết quả học tập năm đầu tiên ĐH không như mong muốn, thậm chí còn… nợ một số môn. Chính từ khởi đầu không như ý này, Hoàng Khoa đã lập lại kế hoạch, mục tiêu học tập mới cho toàn bộ chương trình, trong đó có môn tiếng Anh. Một trong những giải pháp khi đó được Hoàng Khoa chọn là tích cực tham gia nhiều nhóm học tập với các bạn sinh viên vì cách này nhanh chóng “lấp đầy” những khoảng trống kiến thức cho nhau, kiến thức của người này “bù” cho người kia. Nhờ đó, Hoàng Khoa đã lấy lại được phong độ học tập vốn có. Riêng môn tiếng Anh, từ năm học lớp 9, Hoàng Khoa đã ngưng học thêm tại trung tâm ngoại ngữ, bắt đầu chuyển sang tự học hoàn toàn bằng việc đọc các báo điện tử phiên bản tiếng Anh và xem phim có phụ đề tiếng Anh. Theo em, việc học từ đọc báo sẽ đỡ cảm giác… nặng nề về kiến thức, thay vào đó bản thân như được mở mang, khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Thông qua việc thường xuyên theo dõi các trang tin tức nước ngoài trên Facebook và đọc các báo Việt Nam phiên bản tiếng Anh, kỹ năng đọc của Hoàng Khoa được rèn luyện và ngày càng lưu loát, trôi chảy hơn. Khi đọc báo, em còn kiểm chứng lại nội dung bài viết tiếng Việt, từ đó nắm được các loại từ vựng theo từng chủ đề của bài báo cũng như các cấu trúc ngữ pháp để rút ra cách dùng tương tự. Còn ở kỹ năng viết, nhờ việc đọc các bài báo viết bằng tiếng Anh, em đã có hình dung về cách hành văn và cấu trúc ngữ pháp, những từ vựng thông dụng cho từng chủ đề. Để tập viết, ban đầu em thử viết ở dạng tiếng Việt, sau đó chuyển sang tiếng Anh. Nhờ quá trình này mà em dần rèn được khả năng viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Trong khi đó, ở kỹ năng nghe, cách học của Hoàng Khoa cũng không mang tính… sách vở. “Thú thật là do em tiếp xúc với những bộ phim nước ngoài và các trò chơi game rất nhiều, nghe những nhân vật trong phim hay game đọc tiếng Anh giúp em nhận diện được nhiều kiểu giọng khác nhau nên khi gặp các bài thi em không lạ lẫm lắm” – Hoàng Khoa tiết lộ. Về phần nói, cũng từ việc xem phim và chơi game, Hoàng Khoa chú ý cách các nhân vật nói rồi tập nói lại y như vậy. Em cho rằng đây là cách học khá hay, hiệu quả mà ai cũng có thể thử áp dụng.
Một hãng hàng không nhận vào làm việc khi còn sinh viên
“Thời điểm chưa có dịch Covid-19, nhờ có khả năng tiếng Anh tốt, em đã tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi sinh viên quốc tế; trong đó, em đã có cơ hội tham dự một chương trình giao lưu trao đổi sinh viên tại Nhật Bản. Kế đến, trong các buổi phỏng vấn xét học bổng hoặc ứng tuyển việc làm, em có thể trao đổi với hội đồng xét tuyển hoàn toàn bằng tiếng Anh” – Hoàng Khoa cho biết. |
Hoàng Khoa nhìn nhận việc học tốt tiếng Anh trước tiên đem đến cho em những lợi thế đáng kể trong việc học tại trường ĐH. Cụ thể, với những môn có các bài giảng, bài tập bằng tiếng Anh, em có thể dễ dàng hiểu bài và giải quyết các bài tập rất tốt. Ngoài ra, khi vào học chuyên ngành, em có thể đọc thêm các loại sách tham khảo nước ngoài. “Thời điểm chưa có dịch Covid-19, nhờ có khả năng tiếng Anh tốt, em đã tham gia các hoạt động giao lưu trao đổi sinh viên quốc tế; trong đó, em đã có cơ hội tham dự một chương trình giao lưu trao đổi sinh viên tại Nhật Bản. Kế đến, trong các buổi phỏng vấn xét học bổng hoặc ứng tuyển việc làm, em có thể trao đổi với hội đồng xét tuyển hoàn toàn bằng tiếng Anh” – Hoàng Khoa cho biết.
Đặc biệt, với lợi thế tiếng Anh tốt đã giúp Hoàng Khoa vượt qua kỳ tuyển dụng gắt gao của một hãng hàng không ở Việt Nam, được trở thành nhân viên chính thức của hãng này ở thời điểm em chưa tốt nghiệp ĐH. Không học chuyên ngành về hàng không nhưng Hoàng Khoa đã thuyết phục được nhà tuyển dụng với các kỹ năng, kiến thức cũng như nguyện vọng nghiêm túc, rõ ràng. Trong đó, em vượt qua được cả phần thi kiểm tra kiến thức về khoa học, hàng không và tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện Hoàng Khoa đã xin nghỉ việc để tập trung vào việc bảo vệ luận văn tốt nghiệp ĐH sắp tới.
Sau khi ra trường, Hoàng Khoa dự định sẽ tìm cơ hội du học chương trình thạc sĩ về mảng năng lượng, đặc biệt là năng lượng hạt nhân vì đây là một lĩnh vực em yêu thích từ nhỏ. Khi du học, tiếng Anh sẽ hỗ trợ, giúp Hoàng Khoa tiếp cận được với các chương trình giảng dạy, tài liệu chuyên ngành, kết nối, mở rộng với nhiều mối quan hệ và nhiều nền văn hóa mới. Đặc biệt, Hoàng Khoa tin rằng với vốn tiếng Anh tốt sẽ giúp em có nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm sau này. Tuy nhiên, Hoàng Khoa cũng quan niệm chỉ mỗi khả năng tiếng Anh thôi thì chưa đủ nên hiện tại em đang học thêm tiếng Nhật ở mức N2 và tiếng Đức cơ bản, từ đó mở thêm cơ hội cho bản thân chuẩn bị cho thế giới công việc sinh động bên ngoài mái trường.
Thục Trân
Bình luận (0)