Từ những chai nhựa và giấy các-tông bị bỏ đi, Nguyễn Quốc Cường (sinh viên năm nhất ngành công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đã cùng với một nhóm bạn nghiên cứu, sản xuất thành những viên gạch có nhiều tính năng nổi bật.
Nguyễn Quốc Cường (thứ hai từ phải qua) và nhóm bạn thực hiện dự án sản xuất gạch từ rác thải
Đây là dự án mà Quốc Cường và nhóm bạn đang theo đuổi với mong muốn tạo ra những sản phẩm phục vụ cho cộng đồng với giá rẻ, bền, đặc biệt là có thể hạn chế được một lượng rác thải ra môi trường hằng ngày.
Quốc Cường cho biết, năm học lớp 11, trong một lần đi uống trà sữa cùng các bạn, em tình cờ thấy cô lao công quét dọn và thu gom nhiều thùng giấy các-tông để bán ve chai. Thấy tiếc, em ngỏ ý xin lại mang về nhà. “Cầm thùng giấy các-tông trên tay, em ngắm nghía rồi xé ra từng miếng chơi. Nhìn kỹ miếng giấy các-tông, em thấy bên trong có cấu trúc tổ ong khá thú vị. Càng thú vị hơn khi em thử bẻ miếng giấy các-tông theo chiều ngang thì dễ đứt gãy, trong khi bẻ theo chiều dọc thì lại khó hơn. Sau đó, em bắt đầu tìm hiểu thì mới biết giấy các-tông còn có khả năng chịu được lực cao từ nhiều phía nhưng lại ít được mọi người tận dụng để tái chế và ứng dụng. Từ đó trở đi, em luôn dành thời gian rảnh để khám phá loại giấy này”, Quốc Cường chia sẻ.
Ban đầu, Quốc Cường cắt thùng giấy các-tông ra thành những miếng có kích thước vừa phải rồi dán lại tạo thành một khối hình vuông. Tuy nhiên, với cách làm này, em thấy chẳng mang lại hiệu quả gì. Sau khi được thầy cô tư vấn, em đã thử lắp ráp các miếng giấy các-tông lại thành khung xương dạng cấu trúc tổ ong có kích thước 15x15x9cm. “Với cấu trúc này, khung giấy các-tông chịu được lực khá cao. Khoảng 120,57g, tấm giấy các-tông có thể chịu được sức nặng của 1 người có khối lượng 95kg”, Quốc Cường cho biết.
Khung xương giấy các-tông được Nguyễn Quốc Cường và nhóm bạn thiết kế để tạo ra những khối gạch
Thấy cái khung dễ bị tác động bởi môi trường vì chủ yếu là giấy các-tông mà không có thành phần nào khác để bảo vệ, Quốc Cường nghĩ ra việc tạo chất vữa (hỗn hợp gồm có cát, xi măng, nước và phụ gia siêu dẻo trộn với nhau) để đổ vào khung xương. Khi đó thành phẩm là một khối gạch. “Nhìn giống như viên gạch block thông thường dùng trong xây dựng, nhưng viên gạch em làm ra lại có khung xương giấy các-tông bên trong. Nhờ khung xương này nên khối gạch có trọng lượng nhẹ, giảm chi phí sản xuất mà lại chịu được lực cao”, Quốc Cường hào hứng nói. Những viên gạch đầu tiên đã nhen nhóm trong Quốc Cường về một dự án cộng đồng hữu ích. Tuy nhiên, vì áp lực học của những năm cuối cấp nên Quốc Cường đã tạm gác lại ý định. Bước vào giảng đường ĐH, học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu, em đã tập hợp một nhóm bạn cùng chí hướng hỗ trợ mình thực hiện ước mơ. Hiện dự án về gạch làm từ rác thải đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nếu trước đây Quốc Cường dùng cát, xi măng, nước và phụ gia siêu dẻo để tạo chất vữa thì hiện tại em thay cát bằng rác thải nhựa nghiền nhỏ. Theo đó, những chai nhựa sau khi sử dụng bị vứt ra môi trường, có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người đã được Quốc Cường và các bạn thu gom lại để tái chế, tạo thành những viên gạch. “Loại nhựa này phải mềm như chai nước suối, nước ngọt… thì mới dễ nghiền nhỏ. So với viên gạch bán ngoài thị trường thì gạch của chúng em làm ra giúp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể mà vẫn bền, nhẹ, cách âm, cách nhiệt…”, Nguyễn Khánh Hưng (thành viên trong nhóm) cho biết. Cái khó khăn trước mắt của nhóm là chưa tìm ra được tỷ lệ vữa tối ưu để làm gạch. Bên cạnh đó giải pháp chống mối mọt cũng chưa hiệu quả. “Vì vậy, mục tiêu của chúng em là quyết tâm giải quyết khó khăn để có thể tạo ra những viên gạch tốt nhất đưa ra thị trường trong tương lai”, một thành viên trong nhóm cho hay.
Nói về dự án sản xuất gạch từ rác thải, bà Lưu Thị Thanh Mẫu (Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Phúc Khang) cho rằng đây là một sáng kiến hay, nếu dự án thành công sẽ có đóng góp rất lớn trong việc giảm lượng lớn rác thải thải ra môi trường. Không chỉ vậy, những viên gạch này còn có thể đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)