Chúng ta vẫn hay nói, sinh viên mới ra trường hiện nay rất thiếu kiến thức thực tế và kinh nghiệm cuộc sống. Cho nên khi bắt tay vào công tác, làm việc rất bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn. Đã có nhiều cách lý giải khác nhau cho vấn đề này. Nhưng theo tôi, có một nguyên nhân rất cơ bản không thể không nói đến, đó chính là sinh viên khi học mới chỉ quan tâm “đọc sách chứ chưa đọc báo nhiều”…
Thật vậy, chuyện sinh viên trong các nhà trường trong thời gian khoá học mới chỉ quan tâm tới chuyện đọc sách nhiều và chưa quan tâm đến việc đọc báo, tạp chí là một thực tế. Tất nhiên, nói như trên không phải là có ý chê trách gì sinh viên, mà sinh viên chịu đọc sách nhiều hơn đã là một tín hiệu vui cho “văn hoá đọc” truyền thống rồi. Tuy nhiên, sinh viên “chỉ chăm đọc sách” mà quên mất rằng đọc báo, tạp chí cũng quan trọng không kém trong quá trình học tập. Bởi, báo chí là nơi cung cấp rất nhiều thông tin thời sự, theo sát diễn trình xã hội, giúp mọi người nắm bắt được tình hình mọi mặt của đất nước. Nếu sinh viên chịu khó đọc báo, không những nắm bắt được thông tin thời sự, mà còn giúp ích rất nhiều cho bài học, môn học. Những ai đã qua thời sinh viên ngồi dưới giảng đường Đại học đều biết, khi trong các bài thi hết học phần của các môn học, nếu ngoài trả lời phần kiến thức cơ bản, sinh viên mà liên hệ được thực tế với các sự kiện, hiện tượng, vấn đề đã, đang nảy sinh, xuất hiện trong dòng chảy đời sống xã hội thì bao giờ cũng được các thầy cô giáo đánh giá cao, và cho điểm xứng đáng. Vì trả lời mà có sự liên hệ thực tế như vậy chứng tỏ sinh viên rất chịu khó tham khảo, sách, báo, tài liệu; biết vận dụng giữa lý luận và thực tế cuộc sống, không bị “lạc hậu” với thời cuộc. Cũng đúng thôi, vì đòi hỏi của cuộc sống, công việc đối với một sinh viên sau khi ra trường phải có đủ không chỉ kiến thức chuyên môn mà phải có vốn kiến thức phong phú tổng hợp về xã hội. Cho nên, đọc báo chí sẽ giúp cho sinh viên không bị “lạc hậu”, hụt hẫng khi bước từ môi trường giáo dục, đào tạo sang môi trường xã hội, công việc thực hành làm nghề.
Việc sinh viên chưa quan tâm đến việc đọc báo chí không phải do họ không có điều kiện mà phần lớn là do lười. Được biết, hiện nay ở các nhà trường có Trung tâm Thông tin Thư viện thì đều có phòng đọc báo, tạp chí. Và có những trường có đến 130 đầu báo và tạp chí. Thành ra, đây chính là một điều kiện thuận lợi cho sinh viên muốn đọc báo, tạp chí. Cũng có ý kiến cho rằng, sinh viên không có thời gian, Nhưng cũng chỉ đúng một phần mà thôi, vì đa số sinh viên hiện nay không lạ lẫm gì với mạng internet, song nhiều bạn khi khai thác mạng chỉ sử dụng vào việc “chat”, chơi Game online, hoặc truy cập vào những trang Web vô thưởng, vô phạt,… hay như hiện nay có thêm trào lưu sử dụng Blog nên nhiều bạn khi truy cập vào mạng Internet là vào ngay trang Blog của mình và quan tâm xem là có bao nhiêu lượt truy cập vào Blog của mình và làm thế nào để Blog càng hấp dẫn, thu hút… Mà với mức giá cả leo thang như hiện nay thì thời gian truy cập Internet quy ra tiền không phải là ít.
Đọc báo, tạp chí sẽ là một việc làm thiết thực góp phần vào sự thành công trong kết quả học tập của mỗi người. Đây là điều không thể phủ nhận. Thiết nghĩ, để mỗi sinh viên ý thức hơn với việc đọc báo, tạp chí trong quá trình học tập thì trước hết bản thân mỗi sinh viên phải nhận thức được sâu sắc vấn đề, thấy được lợi ích thiết thân của vấn đề. Một lời khuyên chân thành, mỗi người hãy tự chọn cho mình ít nhất một loại báo, tạp chí yêu thích để theo đọc. Bên cạnh đó, về phía các nhà trường cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người học chịu khó đọc báo, tạp chí là một phương pháp tham khảo, học tập hiệu quả.
Hoàng Việt Thịnh (GD&TĐ)
Bình luận (0)