GS. Barre Sinoussi ký tặng SV |
Mới đây, nhà virus học người Pháp GS. Barre Sinoussi đã có buổi gặp gỡ thân tình với sinh viên (SV) ĐH Y Dược và ĐHQG TP.HCM nhằm chia sẻ với các bạn trẻ về quá trình nghiên cứu phát hiện virus HIV và những bài học của con đường dẫn đến thành công…
Làm khoa học không phải để… đoạt giải Nobel
GS. Barre Sinoussi được biết đến nhiều khi bà được trao tặng 10 giải thưởng lớn quốc gia và quốc tế về những đóng góp cho khoa học trong lĩnh vực HIV/AIDS. Tại Việt Nam, GS. Barre Sinoussi cũng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS như đào tạo cán bộ, ký thỏa thuận khoa học đầu tiên về HIV/AIDS với Bộ Y tế, nghiên cứu về dịch tễ học phân tử nhiễm HIV… Năm 2008, bà nhận giải thưởng Nobel y – sinh học về những đóng góp thiết thực của mình cho ngành y học.
Có lẽ đã đón đợi rất nhiều từ trước nên sau phần trình bày về quá trình nghiên cứu, phát hiện virus HIV, các bạn SV đã đặt hàng loạt câu hỏi giao lưu với bà. Nhiều bạn thắc mắc “cái khó nhất trong thời gian nghiên cứu HIV mà bà từng gặp phải?”. GS. Barre Sinoussi tươi cười điểm lại vô vàn khó khăn từng trải, nhất là ở việc tạo mối liên kết cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống HIV. Hết sức điềm đạm, bà tin tưởng: “Mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu thực sự đam mê khoa học!”.
Khi được hỏi: “Trong quá trình tham gia nghiên cứu khoa học, bà có nghĩ mình sẽ đoạt giải Nobel không?”, thay cho câu trả lời, GS. Barre Sinoussi đã nhắn nhủ các bạn SV “Việc được nhận giải Nobel là một bất ngờ lớn, chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ đoạt được giải thưởng đó. Nghiên cứu khoa học mà chỉ “nhắm” đến giải Nobel thì rất khó để đạt được. Mục đích của ngành y là phục vụ bệnh nhân”.
Làm việc hết mình, kết quả sẽ đến !
Mối quan tâm chung của các bạn SV là làm sao để có thể vừa học tập vừa nghiên cứu khoa học thành công khi còn ngồi trên ghế nhà trường. GS. Barre Sinoussi chia sẻ, với bà, động cơ nghiên cứu khoa học không xuất phát từ giảng đường mà từ thực tế. Đó là khi bà bắt đầu đăng ký tham gia vào phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, những kiến thức và kỹ năng cơ bản học từ giảng đường là điều không thể thiếu. Theo GS. Barre Sinoussi, không có công thức hay câu trả lời chung cho việc làm thế nào để trở thành nhà khoa học giỏi. “Chỉ biết là làm việc hết sức mình, trúng thời điểm và dĩ nhiên là huy động được phương tiện kỹ thuật và cơ sở vật chất trong nghiên cứu khoa học lẫn gặp đối tác đúng lúc ắt sẽ thành công” – GS. Barre Sinoussi nói.
Lẽ thường, thành công nào cũng phải trải qua ít nhất vài lần thất bại. Nhà virus học này không ngần ngại khi bộc bạch rằng: “Đã có nhiều thất bại trong cuộc đời tôi”. Tại Việt Nam, cũng từng có dự án bà đã phải viết đi viết lại nhiều lần mới được phê duyệt. Yếu tố bà muốn nhấn mạnh trong đó là tính kiên trì đeo bám công việc mà nhờ đó bà đã thành công.
GS. Barre Sinoussi đã nhiều lần sang Việt Nam tìm hiểu nhu cầu thực tế, tổ chức chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, mở các lớp tập huấn cán bộ, cũng như tham gia hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, thực tập viên Việt Nam tại Viện Pasteur Paris (Pháp). Bà đã tập hợp được đội ngũ các chuyên gia khoa học Pháp trên nhiều lĩnh vực và làm cầu nối cùng cán bộ Việt Nam triển khai nhiều chương trình nghiên cứu xoay quanh các lĩnh vực sinh y học, lâm sàng, khoa học cơ bản…
Đã có nhiều đóng góp trong công cuộc phòng chống căn bệnh thế kỷ, điều mà người phụ nữ giản dị này đến hôm nay vẫn còn trăn trở là sự phân biệt kỳ thị với bệnh nhân AIDS và chưa tìm ra được thuốc chữa dứt căn bệnh cho họ. Chính vì vậy mà khi chia sẻ với SV, mục đích cuối cùng và cũng là ước mơ lớn nhất cuộc đời bà chính là cuộc chiến chống HIV/AIDS sẽ đến hồi kết.
Buổi gặp gỡ đã kết thúc nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ thỏa lòng các bạn SV. Minh Quang (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) nâng niu “khoe” mãi cuốn sổ có chữ ký tặng của GS. Barre Sinoussi mà phải chen lấn giữa rất đông SV mới có được. Minh Quang tâm sự: “Em ấn tượng mãi với câu nói mà bà nhắn nhủ “Cứ làm hết mình đi, rồi kết quả sẽ đến”. Chắc nhiều bạn cũng như em, mỗi khi nghĩ đến câu nói này như được tiếp thêm động lực học tập”. Và đây cũng chính là điều mà Giám đốc ĐHQG TP.HCM Phan Thanh Bình cùng các thầy cô mong mỏi ở SV sau cuộc gặp gỡ này: “Khơi dậy trong các bạn trẻ ước mơ, đam mê nghiên cứu khoa học và nhiệt huyết đóng góp cho xã hội, cộng đồng ngay từ hôm nay”.
MÊ TÂM
Bình luận (0)