Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên “chạy” xe ôm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sơn đang chuẩn bị chở khách

“Từ chiều đến giờ mới được có 10 ngàn đồng thôi”, anh vừa nói vừa cười. Đó là số tiền ít ỏi mà Sơn, chàng trai 23 tuổi vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền kiếm được từ 17h đến khuya. Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn SV sẵn sàng trở thành những “anh xe” chuyên nghiệp.
Vất vả kiếm tiền
Xuất thân từ một gia đình nông dân ở Hà Tây, Sơn đã “vào đời” từ năm thứ nhất đại học. Sau một năm rửa bát, trông xe, dành dụm, vay mươn mới mua được cái xe máy vừa chở mẹ đi làm, vừa dùng nó để kiếm thêm thu nhập. Sơn tâm sự: “Trước đây mình đi học một buổi, chạy xe một buổi nhưng từ năm ngoái đến giờ mình chuyển sang làm ca đêm từ 17h đến 2h sáng, làm thời gian này lúc đầu thì buồn ngủ lắm nhưng làm lâu rồi quen. Có đêm mưa rét, một mình ngồi giữa đường cũng tủi thân lắm”. Sơn còn nói thêm, ngại nhất là khi gặp bạn bè, mình phải tránh mặt, có khi phải trốn, lúc bí quá không trốn được thì bảo đi đón bạn rồi lẳng lặng “vờ” đi. Có đêm chở bạn gái đi chơi về xong lại phải ra đường đứng đến tận sáng ngày hôm sau mới về.
Chạy xe vất vả là thế nhưng số tiền kiếm được cũng không đáng là bao. Bạn Văn Thích, ĐH Công Nghiệp Hà Nội cho biết “Mình cũng làm một buổi, thứ 7 chủ nhật thì làm cả ngày. Ngày thì đứng đối diện cổng bến xe Mỹ Đình, còn tối thì đứng ở đường Hồ Tùng Mậu, bình quân ngày chỉ được có 40 ngàn đồng, nhiều nhất thì được 200 ngàn, có ngày chẳng được “mụn khách” nào. May mà còn có khoản làm thêm này chứ số tiền 500 ngàn bố mẹ gửi lên hàng tháng thì làm sao xoay xở nổi”. Thích chia sẻ thêm: “Nhiều khi cầm được 10 ngàn đồng nhưng lại bị người ta chê đắt, rồi tỏ thái độ, chửi này chửi nọ cũng chán lắm nhưng mà biết làm sao được, chẳng lẽ lại bỏ nghề”.
Khó khăn nhất vẫn là những người mới vào nghề, không biết “luật” xe ôm. Rơi vào hoàn cảnh đó, N.T.Nam, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội kể lại “Mình mới chạy được có 2 tháng nên chẳng dám mời khách, chỉ ngồi đợi rồi ai gọi là đi thôi. Có lần vừa trả giá xong chuẩn bị đi cũng bị người khác tranh mất. Mới đầu ngồi đợi khách thì hay bị chửi lắm, thậm chí còn bị doạ nạt, phải ngồi xa xa nhưng bây giờ có một anh đồng hương làm nghề này lâu rồi xin cho nên cũng đỡ”. Khi được hỏi việc chạy xe có ảnh hưởng đến việc học hành, Nam cười: “Nói chung là có ảnh hưởng, nhưng phải cố gắng thôi. Có hôm thì mình mang cả sách ra, vừa bắt khách vừa ôn thi cho đỡ phải áy náy”.
…vừa nguy hiểm, lại dễ bị lừa
“Nhiều người có nhu cầu đi xe, nhìn thấy mặt mũi mình trẻ quá họ lại ngại, không muốn đi nữa”, Sơn nói. Nhiều lúc bắt khách đã khó, lấy được tiền của khách có khi càng khó hơn, Sơn nhớ lại: “Cách đây vài tháng, khoảng 11h đêm tôi chở một sinh viên qua cầu Nam Thăng Long, khi vào một khu trọ, anh ta bảo cho mượn điện thoại gọi cho bạn. Vào rồi chẳng thấy anh ta ra, đợi mãi khi đi vào thì biết anh ta đã chuồn “cửa sau” đi mất tiêu rồi. Thế là “toi” luôn cái điện thoại dành dụm mãi mới mua được. Cũng có hôm chở khách đi 3, 4 tiếng đồng hồ rồi cũng bị chúng lừa đi mất”. “Lúc ấy chỉ biết tự trách mình dại thôi”, Sơn chia sẻ thêm.
Ngoài chuyện làm khuya phức tạp thì đối với cánh xe ôm thanh niên này lúc gặp phải những con nghiện là điều đáng sợ nhất. N.T. Hướng, Trường Trung cấp sửa chữa điện lạnh (Hà Nội) nói: “Khi mới vào nghề, gặp những thằng nghiện sợ lắm, đã chở nó đi sau còn phải mất tiền cho nó nữa không thì nó doạ đánh. Giờ quen nghề rồi cũng có đôi chút kinh nghiệm, nhìn thằng nghiện là biết ngay, bọn này thường nói giá thế nào cũng chấp nhận, mình phải nghi ngờ, phải chú ý cách nói chuyện của nó, mình biết là tránh ngay khi còn kịp, có hôm mình phải nhờ cảnh sát cơ động can thiệp ấy chứ”.
Sơn, Hướng, Nam hay là Thích có lẽ sẽ tiếp tục đi xe nếu không tìm được việc tốt hơn, đó là việc làm cần thiết để xoay xở trong cơn bão giá này. Trước khi chia tay với các anh, ai cũng muốn nhắn nhủ: “Không phải xe ôm là xấu, và phải sống cùng họ mới thấy được những điều hay, những mặt tốt nơi họ”.
Thanh Thể

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)