Không chịu khó rèn luyện tốt trong cuộc sống nội trú, thích ra ở bên ngoài để được thoải mái, tiện lợi… đó là thực trạng phổ biến đối với sinh viên (SV) hiện nay. Đây là vấn đề nhiều trường ĐH nêu ra tại hội thảo “Xây dựng môi trường rèn luyện của SV ký túc xá” do ĐH Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức.
Nhiều SV cảm thấy gò bó, bị ràng buộc khi ở ký túc xá nên tìm cách ở trọ bên ngoài. Đó là lý do những nhà trọ phức tạp quanh khu vực các trường ĐH vẫn còn là lựa chọn của không ít SV. ThS. Phạm Văn Hiền – quyền Giám đốc Trung tâm Phục vụ SV Trường ĐH Cần Thơ – ước tính, chỉ quanh khu vực trường đã có đến trên 500 nhà trọ tư nhân. Tuy điều kiện phòng ốc các nhà trọ này khá tạm bợ, an ninh phức tạp nhưng những cơ sở này luôn tìm cách quảng cáo, thu hút SV. Số SV tìm đến những cơ sở nhà trọ như thế này thường thích “ngoài vùng phủ sóng”, không chịu gò bó bởi nội quy khá chặt chẽ trong ký túc xá.
Riêng tại Trường ĐH Cần Thơ, ThS. Hiền còn chỉ ra một số tác nhân khiến ký túc xá bị “mất điểm” trong SV như thiết kế phòng thường đông (từ 8-10 SV/phòng), diện tích khá hẹp, không có chỗ nấu ăn. Một trong 2 khu ký túc xá đã cũ, thiếu hàng rào che chắn xung quanh dẫn đến khó kiểm soát, có tình trạng phần tử xấu bên ngoài trà trộn vào trộm cắp xe, máy tính, tiền bạc… khiến SV không yên tâm.
Thống kê của ông Nguyễn Công Trinh (ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện còn nhiều ký túc xá có sức chứa lớn nhưng thiếu vắng SV. Cụ thể, ký túc xá ĐH Huế hiện còn trống đến 1.700 chỗ; 2 ký túc xá ở quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cũng còn trống đến 6.000 chỗ; địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khu ký túc xá chứa được 2.000 SV nhưng hiện nay mới chỉ có… 1 SV đăng ký ở… Ông Trinh chỉ ra nhiều nguyên nhân lý giải cho thực trạng này trong đó nhấn mạnh, việc hầu hết các ký túc xá trên cả nước đều cấm SV nấu ăn là một trong các yếu tố làm chính ký túc xá giảm sức hút.
SV ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM trong giờ tự học
|
Trong khi đó, theo Trung tâm Hỗ trợ SV ĐH Quốc gia Hà Nội, nhu cầu về chất lượng phòng ở của SV ngày càng phong phú. SV không chỉ lựa chọn các loại phòng với điều kiện thiết bị cơ bản như: Giường, tủ, bàn ghế, điện thoại nội bộ, mạng internet. Thay vào đó, qua khảo sát của trung tâm này, có đến 80% SV có nhu cầu trang bị thiết bị cao cấp hơn như bình nước nóng, máy điều hòa, máy giặt… ngay tại phòng ở. Theo trung tâm, cần thiết tổ chức nhiều loại hình phòng ở để phục vụ đa dạng đối tượng SV. Bên cạnh đó, đại diện trung tâm cho rằng, để phục vụ tốt SV, tạo sự gắn bó hơn ở các em, cần xem SV nội trú vừa như khách hàng, vừa thân thiết như các thành viên trong gia đình, bên cạnh chăm lo điều kiện vật chất còn nuôi dưỡng tinh thần…
Thực tế, không chỉ khó khăn trong thu hút SV, vấn đề kéo các em vào những hoạt động rèn luyện trong thời gian nội trú cũng chưa thực sự tạo hài lòng cho các đơn vị quản lý ký túc xá. Ông Dương Văn Bá – Phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, SV Bộ GD-ĐT – đánh giá, đa số SV hiện nay thường chỉ tham gia những hoạt động nào bản thân cảm thấy có lợi. Việc tham gia các hoạt động nhằm phấn đấu rèn luyện bản thân cũng có nhưng chưa nhiều. Dù vậy, ông Bá cũng cho rằng, thời gian tới, các hoạt động rèn luyện dành cho SV cũng cần gắn với một số quyền lợi chính đáng, nhất định để tăng tính hiệu quả. Tuy nhiên, qua đó phải hướng SV đến mục đích thiết thực hơn chính là tôi luyện bản thân, nâng cao kỹ năng, đạo đức…
Bài, ảnh: M.T
Bình luận (0)