Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Sinh viên chế tạo máy học tập cho người khiếm thị

Tạp Chí Giáo Dục

​Nhìn bề ngoài, chiếc máy nhỏ gọn như máy tính xách tay nhưng tích hợp đủ năm chức năng cần cho học tập. Ngoài tập viết chữ nổi và tính toán, thiết bị còn giúp nhắc chữ và tập cảm nhận chữ nổi.

Sinh viên chế tạo máy học tập cho người khiếm thị
Nguyễn Duy Hùng và chiếc máy hỗ trợ học tập cho người khiếm thị – Ảnh: XUÂN SƠN

Chạm tay vào chiếc máy mà sinh viên Nguyễn Duy Hùng mang đến, anh Trần Ba – Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Đà Nẵng – đưa đôi tay chậm rãi bấm từng phím một. Khi chiếc loa phát ra kết quả của phép tính, anh nheo đôi mắt nhẩm nhẩm một hồi, xét đúng kết quả, anh ngước lên nở nụ cười trong niềm vui sướng: “Ơ, đúng rồi, giỏi! Giỏi đấy”.

Theo sự hướng dẫn của Hùng, anh Ba trải nghiệm thêm các chức năng của máy trong niềm hạnh phúc.

Anh nói: “Thực sự biết ơn khi Hùng đã nghĩ đến những người khuyết tật như chúng tôi mà bỏ công sức, kinh phí chế tạo ra cái máy tiện quá. Ước chi có nhiều máy này ở thư viện trường, việc học chữ của các em nhỏ sẽ nhanh hơn nhiều”.

Đó là lần đầu tiên anh Trần Ba trực tiếp sử dụng một chiếc máy mà bản thân anh chỉ mới nghe thấy đâu đó ở nước ngoài, những người khiếm thị phải bỏ ra cả chục nghìn đôla mới có được.

Hơn nửa năm trước, trong một lần đến hoạt động tình nguyện ở ngôi trường chuyên biệt này, nhìn những người khiếm thị, đặc biệt là các em nhỏ chật vật trong việc làm quen với những con chữ nổi, sinh viên Nguyễn Duy Hùng – lớp 13D1 khoa điện Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng – đã trăn trở rất nhiều.

“Các em nhỏ ở đây rất khó khăn trong việc nhớ và viết được tất cả ký tự chữ nổi trong bảng chữ cái Braille. Các thầy ở trường cũng không có phương pháp nào để giúp các em nhớ được dễ hơn nên việc dạy và học của họ vô cùng vất vả.

Sau đó, mình đã trở lại nhiều lần để cùng học chữ nổi với các em, từ đó nhận ra được những khó khăn và bắt đầu chế tạo chiếc máy” – Hùng cho biết.

Nhìn bề ngoài, chiếc máy nhỏ gọn như máy tính xách tay nhưng tích hợp đủ năm chức năng cần cho học tập. Ngoài tính năng tập viết chữ nổi và tính toán, thiết bị còn giúp nhắc chữ và tập cảm nhận chữ nổi.

Khi muốn cảm nhận chữ cái hoặc nhớ lại chữ mình đã quên, chỉ cần nói ra chữ cái ở micro, hệ thống sẽ tự nhận dạng giọng nói và tự động kích nối các ký tự nổi trên mặt thiết bị. Người khiếm thị có thể cảm nhận (sờ) để ghi nhớ.

Kèm theo đó là tính năng xem đồng hồ (nghe ở loa) và giải trí như nghe nhạc hoặc nghe tiếng Anh qua chương trình cài sẵn ở thẻ nhớ máy.

Chi phí để hoàn thành một chiếc máy mất 1,5 triệu đồng. Hùng cho biết: “Sản phẩm này đặc biệt có giá thành rẻ và tiện lợi với các em nhỏ khi mới bắt đầu học chữ. Thiết bị giúp các em tự học chữ nổi mà không phụ thuộc vào giáo viên và phụ huynh. Các em có thể luyện tập nhiều kỹ năng viết chữ, cảm chữ, luyện tập phát âm ngay trên cùng một thiết bị”.

Sản phẩm máy hỗ trợ học tập cho người khiếm thị của Hùng vừa đoạt giải nhất cuộc thi WEPICS 2017 do Tổ chức USAID & HEEAP và Trường đại học Arizona State (Hoa Kỳ) tổ chức.

 

ĐOÀN NHẠN/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)