Từ sự gợi ý của GV và bằng tinh thần đam mê sáng tạo nhóm SV Khoa Cơ khí động lực của Trường ĐH SPKT TP.HCM đã chế tạo ra sản phẩm độc đáo. Đó là chiếc coffeebike chở được 10 người.
Các thành viên sáng chế ra coffeebike (ảnh do nhân vật cung cấp) |
“Vật thể lạ” trong sân trường
Một buổi chiều yên tĩnh tại Trường ĐH SPKT TP.HCM bỗng náo nhiệt hẳn lên khi thấy xuất hiện một “vật thể lạ”chạy lòng vòng quanh sân trường rồi sau đó đỗ xịch trước cổng văn phòng Khoa Cơ khí động lực. Nhiều cặp mắt nhìn theo vừa ngạc nhiên vừa thích thú vì thấy “vật thể lạ” đó chính là một chiếc xe chở được khoảng 10 người nhưng không chạy bằng nhiên liệu mà bằng chính đôi chân của những “hành khách” đang ngồi trên đó. Thấy chuyển động từ xa nhiều người biết là xe nhưng khi lại gần lại giống như một quày hàng bán nước giải khát vì có cả mái che phía trên. Thân xe là 3 dãy bàn được ghép lại vừa đủ cho 10 người. Ghế ngồi không phải làm bằng vật liệu gỗ hay nhựa mà được cấu tạo từ 8 chiếc yên xe đạp trông rất lạ lẫm. Mang hình hài của chiếc xe lam trước đây và xe túc túc sau này, chiếc xe có một chỗ ngồi phía trước cho người lái chính. Không vận hành bằng nhiên liệu nên phía dưới xe có cấu tạo giống như những chiếc xe đạp bình thường vì có bộ trục giữa, xích líp để vận hành theo quy tắc chung. Trao đổi với thầy Minh Nhựt – Phó Trưởng khoa Cơ khí động lực, chúng tôi được biết sản phẩm mới ra lò này là của nhóm SV năm thứ 2 lớp 159450 gồm 3 thành viên chính là Đặng Việt Tân, Nguyễn Đình Chương, Trừ Thành Tâm. Tất cả đều là SV đang theo học tại khoa.
Theo Trừ Thành Tâm – nhóm trưởng của “bộ 3”, thì thầy Vũ Đình Huấn – Bí thư Đoàn khoa là người đưa ra ý tưởng đầu tiên để gợi ý cho nhóm SV “đẻ” ra sản phẩm mới lạ này. Tâm cho biết: “Theo hướng dẫn của thầy Huấn, nhóm em tìm được trên mạng chiếc bierbike có từ nước Đức. Thấy hay và cũng dễ làm nên chúng em quyết định bắt tay vào công việc”. Tuy được phân công rõ ràng trong nhóm nhưng mỗi khi có việc cần các thành viên đều hỗ trợ cho nhau. “Công việc của từng thành viên là như nhau cùng phối hợp giải quyết. Ví dụ như cần mua vật tư thì 2 người sẽ đi mua, người còn lại ở nhà sẽ chuẩn bị phương tiện để khi có vật tư sẽ bắt tay vào làm ngay” – Đặng Việt Tân cho biết. Theo Tân, nguyên lý hoạt động của xe bierbike giống hoàn toàn với xe đạp truyền thống gồm: nhông, sên, dĩa, líp một chiều. Vì thế coi chúng là anh em sinh đôi với nhau dù quy mô lớn nhỏ khác biệt. Khi thiết kế xe phần lớn là dùng kỹ thuật cơ khí nên nhóm phải “ôm tập” đi học hàn để ứng dụng hàn xì cho đúng yêu cầu.
Nghị lực dẫn lối thành công
Hỏi về dự định trong tương lai gần, Trừ Thành Tâm cho hay, nhóm dự kiến sẽ gắn động cơ điện và pin năng lượng mặt trời để hỗ trợ vận hành. Có như vậy mới giải phóng được sức người trong khi vận chuyển và đây cũng là cơ hội để khám phá tiếp. |
Theo Nguyễn Đình Chương, khó khăn lớn nhất là tìm vật tư để tạo nên “xương thịt” ban đầu của sản phẩm. Do tận dụng những chi tiết cũ có sẵn trong xưởng nên nhiều vật liệu bị thiếu vì thế không phải tốn công sức mà chủ yếu tốn khá nhiều thời gian để thu gom tập hợp vật tư. Thế nhưng với “máu” tìm tòi và sáng tạo cả nhóm quyết tâm bắt tay vào làm dù đổ biết bao công sức. Thành công chỉ đến với người có nghị lực. Sau một thời gian, chiếc xe bierbike đã “cất tiếng khóc chào đời” trong niềm hân hoan của các “bà đỡ” và mọi người. Nhìn niềm vui của bạn bè và thầy cô khi nhìn thấy chiếc xe, những mệt nhọc như dần được xua tan và hạnh phúc cứ tràn về trong nhóm SV trẻ. Có khi đứt tay chảy máu, có khi bụng đói mắt hoa và cả giọt mồ hôi thầm lặng rơi trong đêm nhưng ai cũng cố gắng làm hết sức mình. Vì thế kỷ niệm đọng lại nhiều nhất là có nhiều đêm quên ngủ làm hăng say đến khi ra về thì bình minh bắt đầu ló dạng.
Về tên gọi, đây không phải là xe ngồi uống bia như bên Đức mà chủ yếu là uống giải khát và cà phê nên nhóm đặt tên cho “đứa con” chung là coffeebike. Đơn giản chỉ có vậy thôi. Cũng không gọi nó là ô tô vì dễ gây hiểu sai.
Nhận được nhiều lời khen và động viên từ mọi người nhưng Trừ Thành Tâm rất khiêm tốn: “Thật ra lúc đầu mọi người chỉ làm cho vui như một sự trải nghiệm và đây là cơ hội vàng để làm việc nhóm”. Tâm cũng “bật mí” thêm, nếu được ứng dụng hy vọng sản phẩm này sẽ phù hợp vào ngành du lịch giống bên Đức và các nước bạn khác.
Khi bị chất vấn về sự cồng kềnh của xe trong điều kiện “đất chật người đông” tình trạng tắc đường xảy ra liên tục trên mọi ngõ ngách đường phố thì nhóm trả lời, do bên nước ngoài hạ tầng giao thông người ta tốt và có nhiều tuyến phố đi nên sẽ dễ dàng nếu xe di chuyển trên đường. Còn ở Việt Nam, nếu xe được ứng dụng thì chúng tôi nghĩ sẽ không thể lưu thông trên đường đông đúc được mà chỉ nên được lưu thông trong một khuôn viên nhất định chẳng hạn như công viên hoặc những nơi tình trạng giao thông ổn định…
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)