Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên chờ thầy dọn cơm

Tạp Chí Giáo Dục

35% sinh viên (SV) học thụ động, chỉ ngồi nghe, chép, chờ thầy dọn cơm sẵn. Đó là kết quả khảo sát của SV ĐH Ngoại thương Hà Nội với 1.000 SV tại 5 trường đại học (ĐH).
Con số này được đưa ra trong hội thảo “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Đoàn trường ĐH Ngoại thương tổ chức sáng 14-4. Tham dự hội thảo có Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Đắc Vinh.
Thiếu kỹ năng, sinh viên khó kiếm việc làm – Ảnh: Hải Yến

“Quy trình đào tạo của Việt Nam ở các trường ĐH còn nặng về lý thuyết, học thuật nên SV không tránh khỏi điểm yếu về kỹ năng làm việc, không có thói quen làm việc theo nhóm, có ý tưởng nhưng ngập ngừng trong cách diễn đạt”, Vũ Quốc Anh, Chủ tịch CLB Nguồn nhân lực ĐH Ngoại thương trao đổi thẳng thắn.

Đó cũng là một trong những lý do khiến SV ra trường thất nghiệp. Hoàng Thu Thủy, sinh viên lớp N2, K46 bày tỏ: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết giảng viên phải hiểu rõ nhu cầu của SV, để SV chủ động trong mỗi bài học, hỗ trợ các bạn rèn luyện kỹ năng mềm, sử dụng phương pháp lấy SV làm trung tâm”.
Thạc sỹ Phạm Thị Vân (giảng viên môn Đầu tư nước ngoài) nói giảng viên trẻ cần mạnh dạn áp dụng đổi mới phương pháp đào tạo tùy đặc thù từng môn học.
Đoàn Thanh niên cũng là một nhân tố tác động tích cực, giúp SV chủ động hơn trong việc học, tham gia các hội thảo, tọa đàm để rèn kỹ năng.
Hải Anh / TPO

Bình luận (0)