Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sinh viên “choáng” với phong cách làm việc quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Các sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội chuẩn bị sang Singapore trong chương trình thực tập “Internship-Singapore 2012”. Ảnh: I.T

Vừa qua, trên các trang mạng truyền thông có đăng tải thông tin một số sinh viên (SV) Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội  tham gia chương trình thực tập tại Singapore cho rằng mình bị bóc lột sức lao động, bị phân biệt đối xử… Nhưng thực hư của sự việc có phải như những gì đã phản ánh?
SV đi làm, không phải đi du lịch
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì chương trình thực tập này có tên “Internship – Singapore 2012” do Ban đào tạo quốc tế – ĐH Ngoại thương ký kết với đối tác Interisland (một công ty được phép của Bộ Lao động Singapore tuyển dụng lao động đến làm việc tại các công ty của Singapore) đến từ  Singapore.
Trong thư phản ánh về Trường ĐH Ngoại thương một số SV cho hay phải làm công việc nặng nhọc, làm ca, không được cung cấp các dịch vụ sinh hoạt thiết yếu như lời hứa của đơn vị tuyển nhân lực. Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng bị chậm trả toàn bộ tiền trợ cấp từ ngày sang Singapore cho đến nay (tiền trợ cấp là 70 đô la Singapore mỗi tháng. Một SV cho biết, từ khi qua Singapore (làm việc tại Sân bay quốc tế Changgi) có bạn phải thực hiện một bảng phân công công việc rất thiếu khoa học và vô cùng mệt mỏi. Thời gian dành cho công việc thường xuyên đến 12 giờ/ngày, hay thậm chí là hơn. Phần lớn công việc của SV Việt Nam ở đây là đi đẩy xe lăn… rất mệt mỏi và nặng nhọc. Điều quan trọng là các bạn SV chưa từng nghĩ rằng đó lại là công việc chính của họ ở đây. Thậm chí, họ còn buộc phải giúp khách cởi quần đi… vệ sinh (khách là người khuyết tật – PV).
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Hoàng Nam, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết mục đích của chương trình “Internship – Singapore 2012” là giúp SV có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế, một môi trường hiện đại bậc nhất thế giới với kỷ luật lao động cao. SV sẽ có cơ hội thực hành ngoại ngữ, tiếp cận với tiếng Anh, cũng như nhiều ngôn ngữ khác tại Singapore. Bên cạnh đó còn được trải nghiệm cuộc sống tại nước ngoài, học tính tự lập và hòa đồng, làm việc theo nhóm. Quá trình SV nộp hồ sơ để tham gia chương trình trải qua 4 bước. Đầu tiên nộp hồ sơ lên trường (nhà trường xét hồ sơ và gửi sang công ty tuyển dụng tại Singapore). Bước 2 là công ty tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp để chọn SV. Bước 3 là công ty tuyển dụng nộp hồ sơ của SV lên Bộ Lao động Singapore để xin giấy phép lao động cho từng SV. Cuối cùng là Trường ĐH Ngoại thương sang Singapore, kết hợp với đối tác để hướng dẫn SV về chỗ ăn ở, về cách đi lại tại Singapore bằng các phương tiện công cộng, hướng dẫn về môi trường làm việc, nội dung công việc (trong tuần đầu tiên).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để triển khai chương trình thực tập này ĐH Ngoại thương đã ký kết với Công ty Inter Island, trong đó, Inter Island hỗ trợ SV ĐH Ngoại thương tìm các vị trí, lo chỗ ăn, ở cho SV.  Ngoài ra, bản thân công ty này cũng ký hợp đồng lao động trực tiếp với các SV tham gia chương trình với những quy định rất rõ ràng. Cụ thể SV sẽ được hưởng mức lương 450 đô la Singapore/tháng cùng với 70 đô la Singapore/tháng hỗ trợ phụ cấp. Hợp đồng cũng khẳng định, SV không làm việc quá 44 giờ/tuần (6 ngày/tuần – PV) và phải chấp nhận làm ca. Đối với những trường hợp làm thêm giờ sẽ được trả lương tương xứng theo quy định của Bộ Lao động Singapore. Hợp đồng này cũng nêu rõ các công việc mà SV sẽ phải tham gia.
Theo GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, toàn bộ thông tin về chương trình thực tập đã được nhà trường thông báo rõ ràng về nơi làm việc, công việc sẽ làm, các điều kiện, chế độ làm việc. Cùng với việc SV hoàn toàn tự nguyện và trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Inter Island, hợp đồng cũng được phụ huynh ký xác nhận. GS. Châu cũng cho rằng SV phải xác định mình đi thực tập, làm việc chứ không phải đi chơi, đi du lịch. SV làm việc và được trả tiền. Hơn nữa, các SV làm việc ở đây đều được chia thành 3 ca/ngày. Vất vả nhất là ca từ 1 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Nên không có chuyện SV phải làm việc 12 giờ/ngày. Qua thông tin cung cấp của nhà trường thì sau khi phỏng vấn, ĐH Ngoại thương đã đồng ý cho 48 SV tham gia thực tập đợt 1 tại Singapore, chia làm 2 nhóm: 11 SV thực tập tại các cửa hàng bán lẻ thời trang của Tập đoàn WingTai và 37 SV làm tại Công ty SATS tại Sân bay quốc tế Changgi. Một số SV bức xúc phản ánh đều đang làm việc tại SATS. Trước khi cho SV đến các đơn vị này bản thân lãnh đạo nhà trường cũng đã sang trực tiếp nắm bắt các công việc mà SV sẽ tham gia.
Bài học từ thực tế
Vì sao lao động Việt Nam không được đánh giá cao trên thị trường lao động quốc tế? Vì sao ngay tại sân nhà, lao động Việt Nam cũng thất thế? Ngoài nguyên nhân về trình độ do đào tạo thì còn một nguyên nhân nữa đó là lao động Việt Nam thiếu kỹ năng và tính kỷ luật lao động. Trong khi các SV đi thực tập tại môi trường trong nước thường kêu ca phàn nàn về tình trạng “chỉ biết pha trà rót nước” thì các SV ra nước ngoài lại phải làm việc thực sự. Điều này, với một số SV là “ngoài sức tưởng tượng”. Chính sự vênh nhau giữa thực tế và “tưởng tượng” đã khiến nhiều SV khi qua Singapore thực tập bị… “ngã ngửa”. 
Từ thực tế này, cho thấy, đối với các trường ĐH, ngoài trang bị kiến thức cho SV, cũng cần phải rèn cho SV quen với những môi trường làm việc khác nhau. Có lẽ, là SV thuộc trường hàng “top” như Ngoại thương, nhiều SV nghĩ rằng mình chỉ cần ngồi bàn giấy là cũng “hái” ra tiền. Chính sự nhầm tưởng này đã khiến họ bị “sốc” khi ra môi trường làm việc thực tế. Và nếu các trường không tạo điều kiện cho SV được trải nghiệm thì có lẽ, ở môi trường nào SV cũng sẽ “kêu”. Ở trong nước thì kêu nhàm chán, còn ra nước ngoài thì kêu áp lực. Đồng thời, bản thân người học cũng phải tự trang bị cho mình miễn dịch để ứng phó với thực tế. Trong khi một số SV phàn nàn thì cũng trong môi trường làm việc như thế, nhiều SV lại thấy rất hứng thú. SV Trần Thu Huyền chia sẻ trên facebook cá nhân của mình: “Mình sang đây học không phải vì tiền. Sang đây, điều thú vị nhất mà mình học được là cách ứng xử của các khách hàng và đồng nghiệp. Có thể với cùng một vấn đề nhưng họ ứng xử rất khác nhau. Ở nhà, mình chỉ học và nghe tiếng Anh – Mỹ, Anh – Anh nhưng sang đây, mình được rèn luyện đầy đủ tiếng Anh của nhiều vùng khác. Ngành mình học là kinh doanh quốc tế, liệu có nơi nào mình được tiếp xúc và làm việc với nhiều người thuộc nhiều quốc gia hiệu quả hơn tại sân bay không.
 
Về phía Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng  cần rút kinh nghiệm. Bởi nhà trường cũng cần phải theo dõi sát sao hơn nữa đối với những SV được đưa đi thực tập ở nước ngoài. Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết  Bộ GD-ĐT không cấm các trường tổ chức cho SV đi thực tập ở nước ngoài. Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào kế hoạch khung đào tạo từng ngành mà Bộ GD-ĐT công bố để bố trí thời gian thực tập cho hợp lý nhưng phải đảm bảo chương trình học. Điều đó không có nghĩa là gửi SV sang rồi chỉ chờ ngày đón về. Mọi vấn đề có thể nảy sinh trong qua trình thực tập của SV nhà trường cần phải nắm bắt được, nhất là các vấn đề liên quan đến tâm lý.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)