Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên chung tay chống biến đổi khí hậu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

SV tham gia tái chế rác thải thành sản phẩm hữu dụng tại “Ngày hội tái chế chất thải năm 2010” ở TP.HCM

Thời gian gần đây, giới sinh viên (SV) đã có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường sống. Việc đi xe đạp đến trường, không sử dụng túi ni lông, phân loại và đổ rác đúng nơi quy định, tiết kiệm năng lượng điện… đã được các bạn SV ngày càng hưởng ứng nhiệt tình hơn.
Những thói quen thiếu “thân thiện” với môi trường
Trong hai ngày 9 và 10-12, hơn 150 SV đến từ 5 trường đại học (ĐH): ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH KHTN TP.HCM, ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), ĐH Bình Dương và ĐH Cần Thơ đã tham gia lớp tập huấn tuyên truyền về biến đổi khí hậu cũng như tham gia tọa đàm “SV Việt Nam với biến đổi khí hậu” do TW Hội SV Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.
Có thể thấy, tại các trường ĐH, CĐ có không ít SV có thái độ thờ ơ với các vấn đề về môi trường. “Thậm chí, các bạn quan niệm rằng vấn đề môi trường chỉ liên quan đến SV ngành môi trường, còn SV ngành khác thì “ngoài vùng phủ sóng”, trong khi thực tế không phải vậy” – Huỳnh Tấn Đại (Khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) nhận định. Chính vì chưa nhận thức sâu sắc về vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, chống biến đổi khí hậu nên các bạn SV vẫn còn tồn tại nhiều thói quen “thiếu thân thiện” với môi trường. Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện nhóm SV Trường ĐH Lạc Hồng nêu một hình ảnh “không đẹp” mà hầu như ngày nào cũng bắt gặp tại trường, đó là việc SV “hồn nhiên” nhét rác vào ngăn bàn học. Kim Ngân cho rằng, không thể ngày nào cũng nhắc nhở các bạn về thói quen không tốt này. Kim Ngân cho biết thêm, thực tế không chỉ trong trường học, tại môi trường dân cư hay các khu vực công cộng, SV vẫn vô tư quăng rác bừa bãi vì ỷ lại là đã có công nhân vệ sinh thu dọn. Hoặc chuyện SV tranh thủ ăn sáng trên xe buýt rồi quăng rác xuống đường không phải là hiếm gặp. Để thay đổi nhận thức của SV phải cần đến một quá trình, hầu hết SV tham dự tọa đàm đều cho rằng, cần phải có những hành động thiết thực, cụ thể hơn để thay đổi những thói quen xấu này.
Những hành động thiết thực bảo vệ môi trường
Dù mới chỉ dừng lại ở những bước đi đầu tiên, nhưng có thể thấy, công tác giáo dục, nâng cao ý thức SV đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã được các trường quan tâm đáng kể và cũng đã tạo được những biến chuyển tích cực. Hầu hết các chương trình hành động đều được xuất phát từ những việc nhỏ, gần gũi với thực tiễn cuộc sống. Huỳnh Tấn Đại (Khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) bày tỏ, SV chưa đủ sức làm những việc lớn thì cố gắng làm những việc nhỏ, vừa tầm với mình. Bản thân Đại cũng hằng ngày đi học bằng xe đạp để tránh ô nhiễm môi trường, tận dụng giấy đã sử dụng một mặt để làm nháp và khi nháp xong không vứt đi mà dồn lại bán giấy vụn… Ý tưởng khuyến khích SV sử dụng xe đạp đến trường bằng việc miễn phí tiền gửi xe cho SV của Trường ĐH Lạc Hồng rất được các trường chú ý để nhân rộng thực hiện. Tại Trường ĐH KHTN TP.HCM, đội “Văn minh học đường” cũng đã được thành lập mấy năm gần đây và một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội là nhắc nhở SV ý thức tiết kiệm năng lượng, giữ gìn vệ sinh giảng đường… thông qua các hành động cụ thể như tiết kiệm nước, chỉ sử dụng đèn, quạt khi cần thiết… Tương tự, Trường ĐH Cần Thơ cũng lập hẳn một đội cờ đỏ phục vụ công tác tuyên truyền SV nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường. Lê Trần Thanh Liêm (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, hình phạt cụ thể đối với những SV vi phạm như quăng rác bừa bãi… là trừ trực tiếp điểm rèn luyện và chính vì sợ ảnh hưởng kết quả rèn luyện cuối học kỳ nên hầu hết SV rất chú ý cải thiện. Cũng theo Thanh Liêm, trường luôn chủ động lồng ghép nội dung tuyên truyền về môi trường vào các hoạt động cụ thể (văn nghệ, phong trào tình nguyện, các cuộc thi…) qua đó dần dần thay đổi thói quen chưa tốt của các bạn.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)