Không thể nhắc lại và nhớ hết các thông tin nghe được, cũng như không theo kịp tốc độ người nói…, đó là những khó khăn mà sinh viên chuyên ngành tiếng Anh đang gặp phải trong quá trình học.
Yếu kỹ năng nghe sẽ làm giảm tiến độ học tập các môn chuyên ngành của sinh viên (Trong ảnh, Khánh Linh (trái) và Thúy Nga) Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM |
Thực trạng này được nêu ra trong đề tài nghiên cứu “Một số khó khăn khi học kỹ năng nghe của sinh viên chuyên ngữ Anh Trường ĐH Sư phạm” của nhóm sinh viên Trần Thúy Nga và Nguyễn Hữu Khánh Linh (Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Đề tài này vừa đạt giải khuyến khích Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2015.
1/4 sinh viên không qua được kỹ năng nghe
Theo Thúy Nga, chất lượng đầu vào của sinh viên Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khóa 2012-2015 khá cao, với điểm tuyển sinh trung bình là 30,5/40. Điều này chứng tỏ đây là những sinh viên có nền tảng tiếng Anh khá vững ngay từ bậc phổ thông. Tuy nhiên kết quả khảo sát trong 120 sinh viên khi làm bài kiểm tra nghe cuối học phần của khóa này (từ năm 1 đến học kỳ I năm 3), có đến 1/4 trong số này thi không đạt yêu cầu. Những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả học kỹ năng nghe mà các sinh viên chia sẻ đó là do tiếng ồn từ môi trường xung quanh, tiếng ồn trong bài nghe; cơ sở vật chất thiếu tiêu chuẩn; người nói nói nhanh, phát âm không rõ; trong tài liệu có nhiều từ mới, chủ đề lạ…
Thúy Nga cho biết: “Có đến 85,9% sinh viên nói rằng nguyên nhân gây khó khăn khi nghe là do tiếng ồn, 39,1% cho rằng do cơ sở vật chất thiếu tiêu chuẩn; 57% cho rằng người nói phát âm không rõ và 3/4 thừa nhận tốc độ người nói nói nhanh… Riêng về nội dung trong tài liệu dạy học, trên lớp sinh viên được nghe nhiều chủ đề xoay quanh bài giảng, ít được nghe những đoạn hội thoại, tình huống trong cuộc sống, vì thế khi gặp những chủ đề lạ về thể thao, y khoa, chính trị… trong bài thi khiến sinh viên gặp không ít khó khăn”.
Ngoài những yếu tố trên thì nguyên nhân xuất phát từ bản thân người học cũng có một phần. Khánh Linh cho rằng, đa số sinh viên mất phương hướng khi bỏ lỡ phần đầu của bài thi, quá tập trung đợi câu trả lời. Hoặc nghe hiểu nhưng lúng túng chọn đáp án, chưa kể tâm lý lo lắng, hồi hộp. Điều đáng nói, số lượng sinh viên không đạt yêu cầu kỹ năng nghe tập trung rất lớn ở khoảng 2 năm đầu khóa học.
“Thông thường 2 năm đầu các bạn chưa chú trọng đến kỹ năng nghe. Chỉ nghe những gì có trong giáo trình, ít chủ động mở rộng chủ đề nghe thông qua phim ảnh, ca nhạc hoặc các tình huống trong cuộc sống. Do đó có không ít sinh viên phải học lại kỹ năng này ở các học kỳ sau”, Khánh Linh thông tin.
Cần có sự thay đổi mạnh mẽ
Nghe là một kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong việc lĩnh hội ngôn ngữ. Nếu yếu kỹ năng nghe làm giảm tiến độ học tập các môn chuyên ngành của sinh viên và gây khó khăn cho công tác tổ chức các học phần của nhà trường. Và hiển nhiên kết quả học tập, khả năng sử dụng tiếng Anh của người học cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Số lượng sinh viên không đạt yêu cầu kỹ năng nghe tập trung rất lớn ở khoảng 2 năm đầu khóa học. |
Thúy Nga đưa ra đề xuất, nhà trường nên sắp xếp học nghe vào môi trường yên tĩnh, phòng học nghe nên cách xa đường phố, công trường. Ngoài ra nhà trường nên tăng thêm những tiết học với người bản ngữ để người học có được môi trường nghe nói tự nhiên, người học quen với ngữ điệu hàng ngày. Đối với người dạy nên thường xuyên nắm bắt cách sử dụng các thiết bị phục vụ việc dạy nghe trong phòng lab như cách xử lý âm thanh rè, cách kết nối loa, tai nghe và máy tính. Khi nội dung bài nghe nhiều từ mới, thuộc chủ đề lạ, người dạy cần nói một đoạn văn ngắn với những từ vựng đã được đơn giản hóa, trình bày hoặc diễn giải lại. Đồng thời cho người học nghe, chép chính tả để có thể quen với sự nuốt âm cũng như tốc độ nói nhanh của người bản ngữ.
Trong khi đó, Khánh Linh khuyên nhủ sinh viên nên có tinh thần chủ động. Theo đó, ngoài nghe theo các giáo trình trên lớp, sinh viên nên tận dụng tăng thời gian luyện nghe trong nhiều hoàn cảnh khác nhau bởi kỹ năng nghe này sẽ thấm dần, nâng cao qua các lần nghe. Ngoài ra sinh viên cũng nên xem phim, nghe nhạc, bản tin thường xuyên để quen với nhiều ngữ giọng Anh, Úc, Mỹ… và bổ sung từ vựng về cuộc sống hàng ngày cũng như các lĩnh vực học thuật.
“Việc luyện tập nhiều đề thi chuẩn quốc tế IELTS, TOEIC, TOEFL, PET, FCE, CAE để hiểu các dạng đề khác nhau cũng như tham khảo sách ngoài giáo trình chính là rất cần thiết. Qua đây sinh viên được tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu bám sát chương trình học tập hơn”, Khánh Linh nói thêm.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)