Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sinh viên “cực chẳng đã” với đồng phục

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc váy quá ngắn, không trùm được gối, SV “xỏ” thêm quần tất khiến trang phục không còn được đẹp
Quy định khá gắt gao về trang phục sinh viên (SV) tại Trường ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) mới đây vấp phải nhiều phản ứng trái chiều của người học. Trong khi thực tế, để SV tự do, thoải mái chọn trang phục đến trường thì lại khó tránh trường hợp ăn mặc “quá lố”.
Một trong các quy định của Trường ĐH Cửu Long liên quan đến việc hạn chế SV mặc quần Jeans đến lớp.Vì nhiều lý do, việc mặc đồng phục tại nhiều trường ĐH-CĐ không được SV tích cực hưởng ứng.
Giảng đường thành… sàn diễn?
Khác với bậc phổ thông, không phải tất cả các trường ĐH-CĐ đều áp dụng quy định đồng phục đối với SV. Tùy điều kiện, quan điểm riêng, có trường thực hiện đồng phục, có trường không. Thậm chí trong một trường cũng có khoa, ngành đặc thù sử dụng đồng phục, khoa khác lại không. Tuy nhiên, ngay cả khi không “áp” đồng phục, SV đến trường vẫn phải đảm bảo trang phục nghiêm túc, chỉnh tề.
Nguyên tắc là vậy nhưng thực tế, vẫn có một bộ phận SV đến giảng đường với trang phục… khó nhận diện. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số trường ĐH-CĐ, vẫn còn tình trạng SV mang dép lê, mặc áo mỏng hoặc nhuộm tóc sặc sỡ đến lớp. ThS. Mai Đức Toàn (Phó trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường CĐ Bách Việt) cho biết, việc ăn mặc không phù hợp đến trường thường rơi vào những SV năm nhất, đặc biệt là trong vài tuần đầu nhập học. Vượt qua khoảng thời gian này, khi đã nắm bắt kịp các quy định của nhà trường, các em mới điều chỉnh phù hợp trang phục, tác phong cũng như thích ứng với đồng phục.
Câu chuyện trang phục phản cảm của một bộ phận SV thậm chí từng được giảng viên Nguyễn Như Bình (Khoa Quản lý văn hóa – Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) bức xúc chỉ ra tại một hội nghị bàn về giáo dục đạo đức SV tổ chức ở TP.HCM trước đây. Cụ thể, giảng viên này cho rằng, SV dường như biến giảng đường thành… “sàn diễn thời trang” khi trang điểm lòe loẹt, sử dụng trang sức, phụ kiện quá màu mè. Thậm chí có em dùng trang phục “phi giới tính”, không rõ nam nữ. Cũng theo giảng viên Như Bình, trong vài năm trở lại đây, SV khối ngành liên quan đến nghệ thuật có sự thay đổi đột biến về cách ăn mặc. Họ không ngần ngại phô trương thái quá vẻ đẹp của mình dẫn đến sự… kỳ quặc.
Đáng nói, ngay cả trong tuyển dụng, nhiều em cũng mất điểm vì ăn mặc thiếu cảm tình. Ông Dương Trọng Phúc (Phó giám đốc Nhà Văn hóa SV TP.HCM) đơn cử: “Từng ngồi vị trí tuyển dụng nhân sự cho đơn vị mình, tôi đã phải tiếp khá nhiều SV đi dép Lào, mặc áo quá mỏng, bó sát, màu sặc sỡ hoặc trang điểm quá mức… Điều này rất khó tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng”.
“Cực chẳng đã” với đồng phục

SV mua đồng phục tại một trường ĐH
Được phép tự do trang phục thì một bộ phận SV lại ăn mặc… tùy tiện. Trong khi đó, quy định đồng phục chỉn chu lại khiến các em cảm thấy gò bó, không hưởng ứng nhiệt tình. Tuyết Nhi (năm nhất Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn) cho biết, đa số các bạn cùng lớp đều không mặn mà việc mặc áo đồng phục suốt tuần vì cảm thấy mất thoải mái.
Tại Trường CĐ Bách Việt, những SV khối ngành đặc thù như y dược, thực phẩm hay du lịch thường mặc đồng phục khi thực hành. Riêng SV các ngành còn lại được phép mặc thường phục, tuy nhiên phải là áo sơ mi và không chấp nhận quần Jeans… rách. Bên cạnh đó, trường quy định hai ngày trong tuần nữ sinh mặc áo dài.
Tuy không phải SV nào cũng mặc đồng phục và cũng không phải mặc 24/24 nhưng ThS. Mai Đức Toàn nhìn nhận, đa phần SV không hào hứng với đồng phục. Bởi bản thân các em chưa thấy hết được nét đẹp hay lợi ích của đồng phục. Ngoài ra, trải qua việc mặc đồng phục suốt 12 năm phổ thông khiến các em cảm thấy không còn muốn chịu thêm “ràng buộc” này khi bước vào môi trường học tập mới.
Trong khi đó, ông Dương Trọng Phúc lý giải, tình trạng một bộ phận SV ăn mặc chưa nghiêm túc, chủ yếu nằm ở việc các em chưa nhận thức chín chắn. Để cải thiện tình trạng này, các trường cần có nhiều cách tác động SV, bên cạnh quy định cần thuyết phục, nhắc nhở. Điều quan trọng, để tạo hứng thú cho người học, trước khi ra quy định về đồng phục, trường cũng nên khảo sát nhu cầu SV về kiểu cách, màu sắc… Cũng theo ông Phúc, đồng phục chỉ nên áp dụng mặc một vài ngày trong tuần. Vì SV ngoài việc học còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, làm thêm…, việc mặc đồng phục liên tục lại khiến các em mất thoải mái.
Bài, ảnh: Mê Tâm
“Khi mặc đồng phục, SV sẽ ý thức và cẩn trọng hơn trong giao tiếp cũng như tác phong, hành động tại những nơi công cộng, chỗ đông người” – ông Dương Trọng Phúc – Phó giám đốc Nhà Văn hóa SV TP.HCM – nhấn mạnh. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)