Hội nhậpGiáo dục phát triển

Sinh viên Đại học FPT thoả sức du học 20 nước

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chú trọng phát triển các trương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học quốc tế, hiện tại, Đại học FPT đã ký MoU (Biên bản ghi nhớ) với hơn 40 trườngđại học tại hơn 20 quốc gia khác nhau. Qua đó, sinh viên có thêm nhiều sự lựa chọn cho học kỳ nước ngoài.

Các bạn sinh viên Đại học FPT trong chuyến đi tham quan và học tập tại Hàn Quốc

Nâng cao chất lượng giáo dục ở trường đại học 

Xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã và đang thúc đẩy việc giáo dục đại học để giao lưu, học hỏi cũng như đổi mới để phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đại học FPT hiểu được vai trò và ý nghĩa của việc này nên đã đầu tư cho sự hợp tác quốc tế từ nhiều năm nay.

Sinh viên trải nghiệm học tập và sinh hoạt tại nhiều quốc gia đem lại nhiều hiệu quả trong học tập và công việc sau khi ra trường. Anh Võ Ngọc Hiền – Trưởng phòng Hợp tác Quốc Tế Đại học FPT chia sẻ: “Tham gia các chương trình này các bạn sinh viên được nâng cao các kỹ năng mềm, hoà nhập với môi trường quốc tế qua các họat động ngoại khoá, học tập và làm việc với bạn bè quốc tế; trau dồi, rèn luyện kĩ năng ngoại ngữ; có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hoá và sự tiên tiến của các nước trên thế giới…”. Thông qua những hoạt động cụ thể, sinh viên có thể phát triển tư duy hội nhập, sẵn sàng cho sự nghiệp toàn cầu ngay từ khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường.

Mang lại nhiều cơ hội và trải nghiệm cho sinh viên

Thành Nhân (bìa trái) và những người bạn mới khi học tập tại Đại học Rissho (Nhật Bản)

Bạn Nguyễn Thành Nhân, sinh viên Ngành Ngôn Ngữ Nhật vui vẻ nói về về khoảng thời gian tham gia học kỳ tại Nhật của mình: “Học ngôn ngữ không chỉ là việc học về ngữ pháp, từ vựng và cách dùng câu chữ mà còn phải thấu hiểu về văn hóa, sự tinh túy, nét riêng và tinh thần của dân tộc đó”.

Khoảng thời gian học tập tại Nhật đã giúp Nhân hiểu thêm về văn hóa và nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình, có phản xạ tự nhiên hơn khi giao tiếp với người Nhật. Đây là những kiến thức rất bổ ích, nhất là đối với những sinh viên có định hướng công việc biên dịch, phiên dịch hay làm việc trong công ty Nhật theo đúng tác-phong-của-người-Nhật.

Bạn Phan Thị Diễm Thắm chụp hình lưu niệm tại George Town (Malaysia) trong học kỳ nước ngoài

Cùng ý kiến trên, bạn Phan Thị Diễm Thắm sinh viên Ngành Kinh doanh Quốc tế cho rằng việc tham gia học kỳ ở nước ngoài là cơ hội giao lưu, học hỏi về văn hoá, ngôn ngữ, cách sống, học tập kinh nghiệm của các bạn sinh viên quốc tế. “Chuyến đi học tại Malaysia không đơn thuần là học kiến thức mà học được rất nhiều điều thú vị ở nước bạn nữa. Người dân ở đây cực kì dễ thương, thân thiện, họ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta từ cách đi lại, ăn uống. Sau khoá học ở Malaysia thì khả năng tiếng Anh của mình được cải thiện, tự tin nói chuyện hơn” – Thắm nói thêm.

Minh Quân (áo đen) và những người bạn tại Brunei

Không chỉ bổ sung những kiến thức, học kỳ nước ngoài đối với bạn Bùi Khắc Minh Quân, sinh viên Ngành Kỹ thuật Phần mềm còn mang lại một sự thay đổi lớn. Quân chia sẻ: “Mình tham gia học kỳ nước ngoài vì muốn mở mang tầm mắt, thỏa sở thích đi đây đó, gặp nhiều người, tìm hiểu nhiều cái mới và học tập những điều hay từ họ. Trong quá trình học tập tại nước ngoài, mình rút ra những sự khác biệt về văn hoá so với Việt Nam, tìm được những điều tốt để thay đổi bản thân trở nên tốt hơn”. Nhờ học kỳ nước ngoài, Quân hiện đã tự tin hơn với khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Có thể nói hợp tác quốc tế là một hoạt động cần thiết của các trường đại học. Những trường tận dụng được hiệu quả hoạt động nàysẽ tạo cơ hội tốt cho các bạn sinh viên quan sát, học hỏi những điều hay từ môi trường quốc tế.

TD

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)