Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên đang…chán học?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Đến năm thứ 2, thứ 3 đại học, dễ dàng nhận thấy tỷ lệ sinh viên bỏ học ngày càng nhiều. Số lượng sinh viên trong một lớp học so với năm đầu tiên có thể giảm hơn một nửa đã không còn là điều lạ lẫm đối với chúng ta.

Nhưng vì sao lại có những hiện tượng đó?

1. Nghỉ học vì nợ quá nhiều môn  

Đây là lý do hàng đầu khiến đông đảo sinh viên lâm vào tình trạng chán nản, áp lực nợ môn và không còn hào hứng đến lớp khiến sinh viên đồng loạt bỏ học giữa chừng. Một phần cũng vì tâm lý xả hơi sau 12 năm học và trải qua kỳ thi đại học đầy cam go khiến các bạn tự cho mình quyền hành được "chơi nhiều hơn học". Thế là kỳ thi đã gần kề mà kiến thức vẫn là một lỗ hổng to tướng. 

M.Vương (20 tuổi) cho biết: "Ban đầu mình chọn ngành Công nghệ thông tin vì nghe cái tên có vẻ…oai oai. Nhưng khi học rồi mới thấy sao mà khó quá. Năm thứ 2 đã học kỹ thuật lập trình, cấu trúc dữ liệu, mạng máy tính..v.v..toàn những môn xa lạ và không thích hợp. Vả lại, trường mình cũng khá dễ, đi học không điểm danh nên hầu như số ngày đến lớp của mình là rất ít. Chọn không đúng ngành, không đến lớp, vào phòng thi mà trong đầu không có một chữ. Kết thúc học kỳ 3 với thành tích học lại 5/6 môn học làm mình thấy chán nản nên thôi, không học nữa.." 

Ở một số trường có tổ chức thi lại sau khi thi đợt 1 không đạt nên nhiều sinh viên cảm thấy nhẹ nhõm và lơ là việc học. Thật ra, để thi lại, bạn phải đóng tiền và đề thi cũng khó hơn so với kỳ thi đợt 1. Còn những trường không tổ chức thi lại mà bắt buộc phải học lại sau khi rớt khiến nhiều sinh viên bị "ngộp" vì không đủ…kinh phí đóng tiền học lại. Vậy nên, nghỉ học là giải pháp tốt nhất! 

2. Nghỉ học để…kiếm tiền  

Rớt nguyện vọng 1 để nộp đơn vào nguyện vọng 2 của một trường dân lập trong TP.HCM, L.Anh (sinh viên khoa Quản trị kinh doanh – hệ Cao Đẳng- ĐH V Hiến) đã ý thức được rằng tiền học phí là không hề nhỏ. Từ năm 1, L.Anh đã cực lực tìm việc làm thêm để trả tiền phòng trọ, ăn uống, đóng học phí nhưng công việc part- time với những đồng lương ít ỏi không đủ nuôi sống cô bạn từng ngày. 

Được một người bạn mời vào làm nhân viên khảo sát thị trường cho một công ty ở Nhà Bè, L.Anh hí hửng với mức lương 2,5 triệu/tháng + tiền thưởng, nhưng cái giá phải trả là quá đắt. Công ty yêu cầu làm việc từ sáng đến tối, không có thời gian đến lớp, về nhà thì cũng mệt mỏi sau một ngày dài làm việc cự nhọc khiến L.Anh không còn tâm trí đâu để ôn bài. Nhưng thay vì nghỉ việc để tập trung vào học tập, L.Anh lại chọn phương án ngược lại. 

Đi học vừa mệt vừa tốn tiền mà cũng không hiểu bài. Đi làm vừa vui vừa có tiền trang trải và mua sắm nên L.Anh dường như đã lao vào mục đích trước mắt, gạt phăng ước mơ và những định hướng lâu dài về sau. Gần một năm trời cày bừa mà mức lương vẫn không nhích hơn được xíu nào, trong khi bạn bè đã tốt nghiệp ra trường và đi thử việc với mức lương ban đầu còn cao hơn L.Anh khiến cô bạn vừa buồn vừa tủi, hối tiếc thì cũng không thể quay lại trường học được nữa. 

3. Nghỉ học làm…đám cưới  

Với vóc dáng nhỏ bé, nhí nhảnh hồn nhiên của cô bạn T.Hằng (sinh viên năm 2 ĐH QG TP.HCM), không ai có thể ngờ được rằng lý do khiến cô bạn đột nhiên mất tích suốt một tháng trời là vì phải gấp rút về quê chuẩn bị làm…đám cưới. Và chú rể cũng không xa lạ gì chính là anh chàng học cùng trường, hơn Hằng 2 khoá. Cả hai gặp nhau và làm quen khi H còn là một tân sinh viên và đi đến đám cưới ngày hôm nay là hệ quả của việc…sống thử. 

Sau đám cưới, H nói rằng sẽ quay trở lại hoàn tất chương trình đại học nhưng sau đó chỉ ba tháng H đã hạ sinh một đứa bé kháu khỉnh. Trở thành một người mẹ khi còn khá trẻ, với nhiều mối lo nghĩ cho cuộc sống gia đình, chồng con, H mãi không thể hoàn thành được ước mơ của mình. Bạn bè ai cũng tiếc cho cô bạn, vừa giỏi, vừa vui tính. Vậy mà một phút nông nổi phải trả giá bằng cả tương lai mình. 

***

Phải công nhận rằng, đời sinh viên không chịu nhiều áp lực học tập như học sinh cấp 3. Không ai quản thúc, không phải học thuộc lòng nhiều môn xã hội, không phải đúng giờ giấc đến trường..v.v..nhưng không có nghĩa là bạn cho mình cái quyền được buông lỏng đời sinh viên. Kiến thức nạp vào không bao giờ là thừa. Đó là nền tảng cho tương lai bạn sau này. Đừng bỏ học vì những lý do vớ vẩn, nếu không bạn đang đặt cược với chính tương lai mình đấy! 

Thẩm Quỳnh Trân (MTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)