Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Sinh viên đánh giá thấp chất lượng, dịch vụ xe buýt

Tạp Chí Giáo Dục

Chi phí vé thấp, an toàn, tiện lợi, tránh nắng bụi, mưa gió… là những lí do khiến nhiều sinh viên (SV) lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, chất lượng, dịch vụ một số xe đi xuống, nhiều SV không còn mặn mà. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tổng sản lượng hành khách đi xe buýt đã giảm mạnh từ năm 2013 đến nay. Cụ thể từ 411,2 triệu lượt xuống còn 334,5 triệu lượt.

Chất lượng, dịch vụ xe buýt xuống cấp khiến lượng hành khách giảm mạnh trong những năm gần đây

Vẫn còn xe buýt dột nóc

Vũ Văn Mạnh (Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) chia sẻ, trước đây Mạnh thường đi xe số 32, 33, 36 đến trường. Nhưng hiện tại Mạnh chỉ đi xe 33 vì chất lượng hai tuyến xe kia quá kém. “Mỗi lần chờ xe phải mất đến 30 phút. Thời gian di chuyển quãng đường 6km từ nhà đến trường cũng đến trên 30 phút, cụ thể là xe số 32. Chưa kể, nhiều ghế ngồi xe này đã bị hỏng, chỉ cần cua nhẹ là ghế có thể đổ, trời mưa thì nước tràn vào xe không khác ngoài đường, lắm người phải mặc áo mưa mặc dù ngồi trong xe vì nóc bị dột. Có lúc kẹt đường, tài xế chuyển hướng khác lại không nhớ đường…”, Mạnh cho biết.

Kết quả khảo sát ý kiến từ 460 SV về dịch vụ xe buýt trên địa bàn thành phố (Hội SV Việt Nam thực hiện) cho thấy, hơn 50% SV thường xuyên sử dụng xe buýt, chỉ có 3,3% không sử dụng. Tuy nhiên có đến 43,1% tỏ ra không hài lòng. Nói về hạn chế, có đến 32,2% cho biết xe buýt xuống cấp, cơ sở vật chất yếu kém; 27,2% do nạn móc túi xảy ra, trên 20% do thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên không thân thiện. Ngoài ra, SV còn phản ánh tình trạng nhồi nhét, chạy không đúng giờ, đón trả khách không đúng nơi, lấn tuyến…

Đỗ Xuân Thụy (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cũng cho hay: “Đa số xe số 53 không có máy lạnh, ghế ngồi bị rách. Riêng các trạm chờ hiện nay chưa thực sự phát huy tác dụng che nắng, che mưa. Ở một số trạm cây cối mọc um tùm, rác bủa vây và là nơi hàng rong tụ tập buôn bán, gây cản trở lên xuống…”.

Ngoài chất lượng xe buýt, nhiều SV còn phản ánh sự phân bổ xe không hợp lý dẫn đến thực trạng xe quá đông, xe quá ít khách, trùng lặp tuyến, rồi nhồi nhét. Kéo theo đó, sự cắt giảm chuyến như xe số 50, từ 120 chuyến/ngày suốt tuần cắt xuống còn 80 chuyến/ngày (thứ hai đến thứ bảy) và 60 chuyến/ngày (chủ nhật) đã khiến SV không có phương tiện di chuyển trong các ngày cuối tuần, mặc dù những ngày này, SV vẫn học tập, thi cử bình thường. Một SV Trường ĐH Luật TP.HCM kiến nghị, Sở GTVT nên tổng rà soát lại từng tuyến, từ đó cân đối lại việc phân bổ để tránh tình trạng xe ít, xe quá nhiều.

Bị de dọa khi khiếu nại

Ngoài vấn đề chất lượng, điều khiến SV quan tâm hơn nữa là tình trạng an toàn khi đi xe buýt. Hiện trên nhiều tuyến vẫn xảy ra tình trạng móc túi, mất đồ hoặc quấy rối tình dục. Nổi cộm là xe số 33, 104, hành khách thường xuyên bị mất đồ mà không lấy lại được. Việc lắp đặt camera để giám sát nhưng camera mới chỉ được lắp ở đầu xe và cuối xe, chưa lắp ở giữa xe. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều kẻ xấu vẫn thực hiện được hành vi. Điều đáng nói, thái độ phục vụ của một số tài xế, nhân viên bán vé dễ nổi nóng, gắt gỏng, không hợp tác, hỗ trợ SV. Đã có trường hợp  SV thông báo mất đồ nhưng nhân viên không giải quyết, trái lại còn có thái độ thông đồng với kẻ gian. Hoặc khi SV khiếu nại thì bị đe dọa.

Diệu Hương (Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) thông tin, có trường hợp SV mua vé nhưng không được trả vé. Khi phản ánh lên đường dây nóng, phía công ty dịch vụ yêu cầu gặp tài xế, nhân viên bán vé để giải quyết. Trong quá trình chờ đợi giải quyết thì SV liên tục nhận được cuộc gọi đe dọa.

Theo nhiều SV, có thể quy định về thời gian cập bến gấp gáp, chỉ tiêu hành khách đã gây áp lực cho tài xế lẫn nhân viên dẫn đến những tình trạng trên. Mặt khác còn ảnh hưởng đến cả việc điều khiển xe. Có những xe đã không dừng hẳn để cho khách xuống, hoặc khách chưa xuống hẳn đã vội vàng chạy. Thậm chí khách bị ngã khi xuống xe nhưng xe cũng bỏ mặc, chưa kể tình trạng bỏ khách, đặc biệt là người khuyết tật.

Trước thực trạng SV phản ánh, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT ghi nhận những ý kiến SV đóng góp hết sức cụ thể, xác đáng. Theo ông Cường, thực trạng tài xế, nhân viên xem thường hành khách là có. Đội ngũ này còn tồn tại tư duy ban phát, chưa xem người đi xe là hành khách, trong khi hành khách lại là bộ phận nuôi sống phương tiện vận tải công cộng. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2016, sản lượng khách tiếp tục giảm 15% so với cùng kỳ năm 2015. Ngành giao thông sẽ ghi nhận để chấn chỉnh, khắc phục và cố gắng thay đổi lối tư duy, nhận thức trên. Về phương tiện, trong năm 2016 sẽ có 500 xe buýt được thay mới, trong đó 300 xe sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường (khí CNG). Mặt khác, ngành cũng đang tiến hành triển khai việc thí điểm thẻ xe buýt điện tử thông minh, có thể bắt đầu thực hiện từ quý 4 – 2016.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)