75% sinh viên khi gặp khó khăn thường bỏ qua và tìm đến công việc khác, trong khi chỉ 25% còn lại chịu suy nghĩ để tìm hướng tháo gỡ.
Do thiếu kỹ năng nên nhiều sinh viên dễ bỏ cuộc ngay từ những khó khăn đầu tiên. Trong ảnh: Một giờ học kỹ năng của sinh viên tại TP.HCM
Đây là kết quả khảo sát trên 200 sinh viên năm nhất và năm hai Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM do ThS. Nguyễn Thị Cẩm Tú (giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH này) thực hiện mới đây.
Được bao bọc quá cẩn thận
Theo ThS. Tú, một trong những điều gây nên sự thất bại cho sinh viên năm nhất là không biết tạo động lực cho mình ngay từ lần vấp ngã đầu tiên. Các em chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm vượt qua trở ngại của cuộc đời bằng chính nội lực của mình, bởi trước đó các em được bao bọc quá cẩn thận. Gặp điểm kém, thi không đạt yêu cầu, một vài mối quan hệ bị đổ vỡ hay những thất bại ngay từ năm đầu của cuộc sống sinh viên khiến các em dễ thất vọng và bỏ cuộc. Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên thường nghe và tin những phán đoán của người khác về mình mà không dám vượt qua khó khăn, trở ngại. Các em tin lời nhận xét chủ quan của một ai đó rồi tự đau khổ, dù những nhận xét đó thiếu căn cứ, chẳng hạn như: “Tiếng Anh khó học lắm, anh học mười mấy năm còn chưa giao tiếp được” hay những dự định tiêu cực về tương lai như: “Học ra trường không biết có xin việc được không”. Chưa kể, chính sinh viên còn tự mình “dán nhãn” tiêu cực cho mình như “học tệ, khó tốt nghiệp đúng hạn được”…
Tạo động lực để bước qua trở ngại Theo ThS. Nguyễn Thị Cẩm Tú, kỹ năng tạo động lực là một trong những kỹ năng cơ bản để giúp cá nhân bước qua những trở ngại, vươn tới thành công. Chính những niềm tin tích cực vào khả năng có thể thực hiện được của bản thân sẽ giúp chủ thể vượt qua được những trở ngại hiện tại cũng như trong tương lai, đồng thời điều khiển được “con tàu cuộc đời” của chính mình. Với những người trẻ, việc vượt qua chính mình là một điều khó khăn vì các bạn chưa từng trải. Nhưng cuộc sống đã thay đổi, khoa học công nghệ đã trực tiếp tác động đến cuộc sống của mỗi người, nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt hậu, nhất là ở thời đại công nghiệp 4.0. |
Kết quả phỏng vấn cũng cho thấy với những khó khăn đơn giản như không nắm bắt được phương pháp học, cách đăng ký học phần hay khó khăn về tài chính, phần lớn các em tham gia hoạt động khác để “quên đi” những khó khăn hơn là tìm cách tối ưu để giải quyết. “Khi gặp khó khăn, sinh viên nên suy nghĩ tích cực hơn, điều này sẽ giúp các em có nhiều năng lượng để vượt qua những khó khăn hiện tại. Đồng thời, các em nên vạch ra kế hoạch cho phù hợp với chính mình”, ThS. Tú nhắn gửi.
Thay đổi niềm tin hạn hẹp về bản thân
Để tạo động lực cho bản thân sinh viên, ThS. Tú khuyến khích các em thay đổi niềm tin hạn hẹp về bản thân. Mỗi cá nhân khi bắt đầu một dự án mới, một công việc hay bất cứ điều gì mới cần biết định lượng mức độ thành công và thất bại. Khi quyết định một vấn đề gì, sinh viên nên quan sát cuộc sống một cách khách quan, không dựa vào phán đoán chủ quan của cá nhân.
Dẫn lại quan điểm của một tác giả, ThS. Tú cho rằng nhiều người trong chúng ta thường không được dạy để nắm lấy khó khăn, mà xem đó là những thứ cần phải tránh, phải phàn nàn. Trong khi đó, nếu đủ bản lĩnh, sinh viên có thể xoay chuyển khó khăn thành cơ hội thử thách bản thân. Các em có thể thử thách chính mình thông qua việc chọn và quan sát thế giới xung quanh với nhiều lăng kính khác nhau. Qua những lăng kính đó, các em sẽ hiểu được vấn đề dưới luồng ánh sáng mới. Càng sẵn sàng đối mặt với vấn đề khó khăn thì sinh viên càng tự tin, thuần thục trong việc giải quyết chúng và quan trọng hơn sẽ càng dễ nhìn nhận chúng như những cơ hội đến với mình. “Khi giải quyết các vấn đề khó khăn trong học tập, trong công việc, càng thử nhiều cách khác nhau, sinh viên sẽ càng nắm bắt được nhiều cơ hội thành công hơn là ngồi một chỗ trông chờ vào người khác”, ThS. Tú nhấn mạnh.
Cuối cùng, ThS. Tú đúc kết, việc thất bại trong mỗi người khi bước những bước đầu tiên là bình thường trong cuộc sống. Điều đó nói lên rằng chúng ta đi chưa đúng hướng hoặc chưa đúng cách. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra chỗ đã sai lầm, trang bị kỹ năng để khắc phục. Sinh viên cũng cần học cách đặt ra câu hỏi cho chính mình khi bắt đầu thực hiện những công việc, dự án. Vì chỉ khi chúng ta biết cần làm gì mới đi đúng hướng. Và khi đã xác định được vấn đề, cần tìm ra cách thức hoặc phương pháp phù hợp nhất để giải quyết chúng. Mỗi vấn đề có rất nhiều cách giải quyết, do vậy nên đưa ra nhiều cách giải quyết, cách nào phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất sẽ chọn.
Mê Tâm
Bình luận (0)