Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. KIM CHI

Tạp Chí Giáo Dục

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long, luật GDĐH hiện hành quy định trường ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành.

Còn ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực; các đơn vị cấu thành ĐH cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Sự khác biệt giữa hai mô hình tổ chức GDĐH này còn được quy định tại các điều 14, 15, 16, 18, 32… và một số quy định khác. Để phân biệt rõ hai khái niệm trên, có thể tham khảo những điểm khác nhau cơ bản giữa ĐH và trường ĐH như sau:

ĐH và trường ĐH khác nhau thế nào? - ảnh 1

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. KIM CHI

Về chức năng, nhiệm vụ, trường ĐH đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng trong nhiều ngành, có thể trong nhiều lĩnh vực (nghĩa là không nhất thiết phải nhiều lĩnh vực). Còn ĐH thì cũng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tương tự nhưng bắt buộc là phải trong nhiều lĩnh vực.

Về cơ cấu tổ chức, nếu trường ĐH có hội đồng trường thì ĐH có hội đồng ĐH; trường ĐH có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng… thì ĐH có giám đốc, phó giám đốc. Nhưng có điều khác biệt đáng kể là trong ĐH bắt buộc phải có ít nhất 3 trường ĐH thành viên hoặc 3 trường trong cơ cấu tổ chức, mà loại hình trường thành viên không có trong trường ĐH, các loại hình trường khác (thuộc, trực thuộc) cũng không bắt buộc phải có trong trường ĐH.

Về quyền tự chủ, trường ĐH được tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ phù hợp với quy định của pháp luật; được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đạt kết quả kiểm định chất lượng. Còn đã là ĐH thì được tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ phù hợp với quy định của pháp luật. Trường ĐH thành viên phải thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung của ĐH và mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ của trường mình. ĐH được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Về quy mô, hiện không có quy định bắt buộc đối với trường ĐH nhưng ĐH thì bắt buộc phải có ít nhất 3 trường ĐH thành viên hoặc có 3 trường thuộc trường ĐH, có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.

“Như vậy, có thể nói rằng ĐH là mô hình tổ chức GDĐH có chức năng, nhiệm vụ rộng lớn hơn, mang tính đa lĩnh vực và liên ngành; có quy mô lớn hơn, cơ cấu đồ sộ hơn, được thừa nhận năng lực tự chủ và quyền tự chủ cao hơn. Còn trường ĐH thì thực hiện chức năng nhiệm vụ ở mức đa ngành, trong một hoặc một số lĩnh vực, quy mô và cơ cấu đơn giản hơn, quyền tự chủ phụ thuộc vào năng lực tự chủ mà một phần thể hiện thông qua kết quả kiểm định chất lượng”, TS Phụng nhận xét.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)