Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sinh viên diện khó khăn được vay vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tìm hiểu thủ tục vay vốn tín dụng tại ngày hội việc làm của trường tổ chức

Tính đến ngày 30-9, tại TP.HCM dư nợ của Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) là 548 tỉ đồng, đã có 51.598 HSSV của 50.333 hộ gia đình thuộc đối tượng được vay. Theo công văn số 2287/NHCSXH-TDSV của Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam về việc cho HSSV vay vốn ký ngày 16-9 sẽ có hàng ngàn HSSV ở TP không được tiếp tục vay và nguy cơ bỏ học có thể xảy ra. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tiên, Phó giám đốc NHCSXH TP.HCM xoay quanh vấn đề này.
Điểm khác của công văn 2287/NHCS-TDSV với Quyết định 157/2007 QĐ-TTg là gì, thưa ông?
– Theo quy định ban hành năm 2007, các đối tượng HSSV diện mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, bệnh tật, hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn tại NHCSXH để trang trải chi phí học tập. Thời hạn cho vay là khoảng thời gian, được tính từ ngày đối tượng được vay vốn, bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi), được ghi trong hợp đồng tín dụng. Thời hạn cho vay bao gồm, thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ. Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn, nhận món vay đầu tiên cho đến ngày HSSV kết thúc khóa học, kể cả thời gian HSSV được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có). Thời hạn phát tiền vay, được chia thành các kỳ hạn phát tiền vay, do NHCSXH quy định hoặc thỏa thuận với đối tượng được vay vốn. Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian, tính từ ngày đối tượng được vay vốn, trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng hai lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do NHCSXH quy định. Còn công văn 2287/NHCS-TDSV chỉ thực hiện cho vay một lần với thời gian học được vay tối đa không quá 12 tháng. Mức vay cụ thể căn cứ vào thời hạn HSSV theo học tại trường, mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu vay vốn của người vay. Điểm khác biệt nữa là trước đây đã giải ngân cho vay bằng hoặc lớn hơn mức quy định, thì chấm dứt việc giải ngân và tiến hành thỏa thuận định kỳ hạn trả nợ.
Tiếp theo là công văn 2547 hướng dẫn điều chỉnh một số điểm về đối tượng vay. Vậy, đối tượng vay có thay đổi gì so với Quyết định 157/2007 QĐ-TTg, thưa ông?
– Vừa qua, một số chi nhánh NHCSXH tỉnh, TP có văn bản gửi về Hội sở chính, nêu một số vướng mắc trong quá trình triển khai văn bản số 2287. Ngày 15-10-2010, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam có văn bản 2547, hướng dẫn một số điểm theo Thông báo số 231/TB- VPCP. Theo đó, nhóm 4 đối tượng thuộc diện vay gồm: Các đối tượng HSSV thuộc diện mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn được vay bình thường. Riêng đối tượng, thuộc hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính (GĐKKĐXVTC) sẽ được điều chỉnh bằng cách cho vay trong thời gian 12 tháng.
Vậy những HSSV thuộc diện này đã phải chịu thiệt thòi?

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nộp hồ sơ vay vốn. Ảnh: Q.Huy

– Nếu những đối tượng HSSV thuộc hộ GĐKKĐXVTC ở 1 trong 5 đối tượng sau: bị tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học sẽ được vay với thời hạn không quá 12 tháng. Bình quân 860.000 đồng/tháng/HSSV, tùy theo thời gian học thực tế tại trường. Trong trường hợp, hộ đã nhận tiền vay đủ 12 tháng nhưng hộ gia đình vẫn còn khó khăn hoặc lại khó khăn tiếp. Vì một trong các lý do như đã nêu, phải được UBND cấp xã, phường xác nhận bằng văn bản nêu rõ lý do khó khăn hoặc danh sách do UBND cấp xã, phường lập gửi NHCSXH vào dịp đầu năm học, kỳ học mới. Thì người vay tiếp tục được nhận tiền vay không quá 12 tháng tiếp theo. Những hộ GĐKKĐXVTC, sau thời gian 12 tháng nếu không còn gặp 1 trong 5 lý do trên, thì NHCSXH sẽ ngưng cho vay. Nhưng nếu sau đó lại tiếp tục gặp khó khăn thì được xem xét cho vay tiếp, thời gian không quá 12 tháng.
Các đối tượng HSSV hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi hoặc GĐKKĐXVTC dạng phải rà soát để tiếp tục cho vay hoặc ngừng cho vay thì ngân hàng sẽ hướng dẫn bằng các mẫu đơn (3 mẫu đơn), để người vay tùy theo đối tượng thực tế của mình. Phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường bổ sung hồ sơ vay. Khi đó, NHCSXH sẽ tiếp tục giải ngân theo hạn mức trước đây đã được duyệt.
Như vậy HSSV khi có đầy đủ hồ sơ chứng minh khó khăn sẽ liên hệ với ai và tại đâu?
– NHCSXH TP có điểm giao dịch cũng như mạng lưới phủ kín địa bàn trên 322 xã, phường của 24 quận, huyện ở TP.HCM. Do đó, bất kể người vay ở một xã, phường nào trên địa bàn TP.HCM đều có thể liên hệ dễ dàng với NHCSXH. Khi người vay, muốn gọi điện đến NHCSXH để tư vấn thì NHCSXH đã có quy định ở tại 322 xã phường (trụ sở UBND) đều có bảng thông tin tuyên truyền của NHCSXH. Trên bảng có niêm yết tên cán bộ NH, số điện thoại phụ trách địa bàn và người vay chỉ việc liên hệ trực tiếp với các cán bộ này. NHCSXH chịu trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ xin vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn đối với HSSV theo quy định (Quyết định 157/2007 QĐ-TTg). Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong quá trình cho vay để vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV trong việc nhận tiền vay và đóng học phí.
Xin cảm ơn ông!
Lê Quang Huy (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)