Tuần ba buổi, bạn Trần Thị Minh – SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM ủi đồ cho gia đình nơi em phụ việc nhà
|
Học phí tăng, giá cả phòng trọ cao, hàng tiêu dùng đắt đỏ… khiến cho nhu cầu tìm việc làm thêm của sinh viên (SV) cũng tăng lên.
Hiện, những công việc như phục vụ hàng quán, phụ việc nhà, lễ tân… đang hút SV bởi giờ giấc linh động.
Nhu cầu nhiều…
Anh Dương Trọng Phúc – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM – cho biết hiện trung tâm có khoảng 950 đầu việc giới thiệu cho SV. Trước đó, trung tâm đã giới thiệu hơn 4.500 việc làm hè cho SV với khoảng 20% việc làm toàn thời gian.
Một “đầu mối” việc làm cho SV khác – Nhà Văn hóa SV TP.HCM – trong dịp đầu năm học mới đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 800 SV. Chị Trần Thị Đức – Phòng Khoa học giáo dục và tư vấn hỗ trợ SV (Nhà Văn hóa SV TP.HCM) – thống kê, trung bình mỗi ngày có hàng chục SV đến tìm kiếm việc làm, chủ yếu là những việc bán thời gian như phục vụ nhà hàng, lễ tân, múa cổ động, gia sư… Trong đó, các công việc phục vụ nhà hàng, lễ tân, bán hàng siêu thị luôn thu hút giới SV bởi những công việc này làm vào những ngày cuối tuần với mức thù lao lên đến 150 ngàn hoặc 200 ngàn đồng/ngày.
Thực tế, nhu cầu việc làm thêm của SV rất lớn. Bạn Ngô Thanh Tuấn – SV năm cuối Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM – hiện đang phụ bán hàng cho một tiệm tạp hóa trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Tranh thủ thời gian rảnh em tìm việc làm thêm vừa có thu nhập, vừa học hỏi kinh nghiệm. Mỗi giờ bán hàng, em được chủ tiệm trả 9 ngàn đồng. Lương tháng đầu tiên đủ để em trả tiền phòng và tiền đổ xăng xe…”. Cùng phòng trọ với Tuấn, bạn Công Minh – SV năm cuối hệ trung cấp Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – đang làm phục vụ quán trà sữa trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp) với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng. Minh cho biết nhiều bạn học cùng khóa, chuẩn bị ra trường như bạn đều có nhu cầu tìm việc, nhất là việc đúng chuyên ngành học. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng chút nào. Anh Phạm Thanh Tân – Phó bí thư Đoàn trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – đánh giá: “Nhu cầu việc làm bán thời gian của SV đầu năm học là rất nhiều, tuy nhiên nguồn cung ứng việc làm ở khu vực Thủ Đức rất ít”.
Công việc… giản đơn
Khó khăn lớn nhất đối với SV là tìm được một công việc phù hợp với lịch học ở trường. Nhiều hội chợ việc làm với cả ngàn đầu việc được giới thiệu nhưng có rất ít SV nắm bắt được cơ hội bởi yêu cầu thời gian, kinh nghiệm và cả phương tiện đi lại luôn là trở ngại lớn. Cụ thể, “Ngày hội đồng hành cùng SV và doanh nghiệp” được Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 9 đã thu hút hơn 10 ngàn lượt bạn trẻ tham dự, với khoảng 2 ngàn đầu việc được giới thiệu cho thấy quy mô và sự chuẩn bị kỳ công của đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, khá nhiều SV đã háo hức đến rồi… tay không ra về bởi không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đổi lại, các bạn lại tìm đến những công việc “lao động phổ thông” như bảo vệ, phục vụ nhà hàng, phụ việc nhà, phát tờ rơi… với mức lương thấp nhưng lại không có cơ hội học hỏi kinh nghiệm chuyên môn. Bạn Nguyễn Thanh Trúc – SV Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức – chia sẻ: “Với SV khi chưa có bằng tốt nghiệp, tìm được việc làm thêm đúng chuyên ngành đang học để tích lũy kinh nghiệm cực kỳ khó. Ngoài lý do chưa trang bị đủ kiến thức chuyên môn thì việc sắp xếp thời gian làm sao cho không trùng với lịch học là cả một vấn đề. Có những công việc yêu cầu làm theo ca kíp, bắt đầu từ 3 hoặc 4 giờ chiều thì càng khó bởi giờ đó SV còn học…”. Cũng chính vì bị hạn chế thời gian nên bạn Lê Thị Minh – SV năm cuối ngành đô thị học và quản lý đô thị Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – đã chọn công việc phụ việc nhà cho một gia đình trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) với mức thù lao 60 ngàn đồng cho 3 giờ làm mỗi ngày. Theo Minh, việc lau chùi cầu thang bốn tầng và ủi quần áo mỗi ngày không phải là quá nặng, nhưng bản thân bạn vẫn muốn kiếm một việc làm có “dính” đến chuyên ngành để tích lũy kinh nghiệm để không cảm thấy bỡ ngỡ khi ra trường. Thực tế, có những trường ĐH, CĐ liên hệ được nguồn việc làm cho SV vận dụng kiến thức chuyên ngành, tuy nhiên khả năng đáp ứng cho tất cả SV là rất ít. Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – anh Lê Quang Bình – cho biết thông qua hoạt động thực tập, nhà trường liên hệ với doanh nghiệp được khoảng 50-60% đầu việc xoay quanh các chuyên ngành là thế mạnh của trường như cơ khí, điện… Tuy nhiên, hạn chế về kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ là trở ngại không nhỏ đối với SV khi tiếp cận công việc. Trong khi đó, chị Trần Thị Đức cho biết rất nhiều SV muốn đầu tư vào việc làm thêm trong điều kiện có thể học hỏi và vận dụng được kiến thức chuyên ngành đang theo học mà nguồn việc từ các doanh nghiệp cũng có, đáng tiếc là SV khó thực hiện được do lịch học trùng với thời gian yêu cầu của công việc.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Hạn chế về trình độ ngoại ngữ, thiếu kỹ năng mềm, không sắp xếp được thời gian… là những nguyên nhân khiến SV khó tiếp cận được với công việc làm thêm có liên quan đến chuyên ngành họ đang theo học.
|
Bình luận (0)