Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên “giải bài toán” nhà trọ sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Lộc, Hằng với đề tài của mình

Nhu cầu chỗ ở cho sinh viên (SV) hiện chỉ dừng lại ở mức cơ bản nhất, nhà trọ tự phát rất nhếch nhác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, học tập của SV… Những kết luận đó được ba SV Khoa Kỹ thuật công trình (ĐH Tôn Đức Thắng) nêu lên tại vòng chung kết cuộc thi Eureka năm 2009.
Họ cũng gây ấn tượng mạnh với hội đồng giám khảo khi đưa ra mô hình “nhà ở tập thể cho SV” trong đề tài “Tìm hiểu thực trạng và giải pháp chỗ ở tập thể cho SV tại TP.HCM”.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế
Khi bước vào giảng đường ĐH, điều đầu tiên mà các bạn Lê Văn Lộc, Đào Thị Thanh Hương và Trương Thị Thu Hằng (SV lớp Quy hoạch quản lý đô thị) phải làm là tìm một “mái ấm” cho mình mới an tâm học hành. Thế nhưng, cuộc sống nhà trọ của các bạn thật không suôn sẻ khi phải liên tục chuyển phòng. “Ngay năm đầu, em đã phải chuyển phòng vì không chịu được sự ồn ào mất trật tự. Và đến nay em đã phải chuyển phòng đến 4 lần” – Thu Hằng bộc bạch. Còn “thành tích” chuyển phòng của Lê Văn Lộc cũng không kém gì cô bạn mình khi lần chuyển phòng gần đây nhất là lần thứ 5. Lộc kể: “Lần mới đây, phòng thì chật giá lại cao, trong khi nhà vệ sinh bị hư hết, cửa phòng cũng không có khóa mà chủ nhà trọ không sửa. Ở được hơn 2 tháng không chịu nổi em đành phải tìm phòng khác. Đó là những nỗi khổ mà SV tụi em hiện phải chịu”. Biết rằng không riêng gì mình mà hầu như SV nào cũng chịu cảnh ở nhà trọ như thế nhưng không biết phải làm thế nào. Từ đó, Lộc luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để cải thiện được tình trạng trên, nhất là khi bạn đang theo học ngành quy hoạch đô thị. “Cho đến khi nhà trường phát động phong trào Eureka mình mới tự hỏi: Tại sao không thực hiện đề tài từ thực tế mà mình và các bạn đã trải qua và thế là ý tưởng về khảo sát nhà trọ trong đầu hình thành” – Lộc tâm sự. Sau đó, bạn thổ lộ ý tưởng về một đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Thực trạng và giải pháp chỗ ở tập thể cho SV” với hai bạn cùng lớp. Chơi thân với nhau, lại học cùng lớp và đều trải qua những nỗi khổ khi ở trọ nên cả ba bạn nhanh chóng tìm được điểm tương đồng và thống nhất được khung đề tài. Mỗi người mỗi việc, người thì phát phiếu khảo sát tại các nhà trọ, người thì tìm số liệu về ký túc xá… Dù thống nhất được phương pháp thực hiện nhưng do số phiếu khảo sát SV nhiều nên đã gây không ít khó khăn cho nhóm. Nhất là khi đụng đến các số liệu khó phải đi hỏi các SV lớp trên. Thu Hằng – trưởng nhóm tâm sự: “Trong quá trình làm phiếu điều tra, chúng em chưa học môn xã hội học (thời điểm làm đề tài là năm 3, mà năm 4 các bạn mới học môn này – PV) nên phải đi nhờ những người bạn học bên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Rồi nhiều ý kiến trái ngược nhau, bất đồng quan điểm xảy ra giữa ba thành viên dẫn đến cãi vã tưởng chừng như bỏ ngang. Nhưng vì đam mê đề tài, vì “quá hiểu cảnh SV ở trọ” nên nhóm cũng quyết tâm thực hiện cho xong với sự trợ giúp của thầy cô”. Và vào tháng 3-2009, đề tài cơ bản đã được hoàn thành để bảo vệ ở cấp khoa, cấp trường và sau đó được duyệt dự giải Eureka.
Giải bài toán nhà ở cho SV
“Tìm hiểu thực trạng và đề xuất giải pháp chỗ ở tập thể cho SV tại TP.HCM” là một đề tài nghiên cứu khoa học chiếm được cảm tình rất cao của hội đồng giám khảo tại vòng chung kết giải thưởng Eureka năm 2009. Bởi đề tài không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học và tính thực tiễn mà còn mang tính thời sự rất cao. Đề tài được phân chia rõ ràng, lôgic với 2 phần. Ở phần 1, nhóm tác giả đã cho thấy được nhu cầu cấp thiết về nơi ở của SV hiện nay, nhất là ở những trường ĐH, CĐ ngoài công lập và những trường có ít ký túc xá dành cho SV. Bằng phương pháp phát phiếu khảo sát, tìm hiểu thực trạng tại các khu nhà trọ tự phát xung quanh các trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, ĐH Ngoại thương TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kỹ thuật Công nghệ… nhóm tác giả đã chỉ ra được những nhức nhối bức bách mà SV phải chịu khi ở tại các dãy nhà trọ này. Từ đó nhóm đưa ra những kết luận chung về những vấn đề liên quan đến chỗ ở của SV hiện nay như phân tích được đời sống tinh thần của SV bị hạn chế khi các nhà trọ chỉ có mỗi chức năng là cho thuê nơi ở, còn việc sinh hoạt, vui chơi giải trí là không có, từ đó SV dễ bị cám dỗ, tiêm nhiễm những thói hư tật xấu… rời xa mục đích học tập. Đồng thời nhóm thực hiện đề tài cũng khảo sát tại các ký túc xá hiện đại như ký túc xá ĐH Bách khoa TP.HCM, ký túc xá ĐH QG TP.HCM để so sánh về chất lượng cuộc sống của những SV ở đây được cải thiện hơn nhiều và có hướng phấn đấu trong học tập hơn.
Thông qua những số liệu thực tế sau khi khảo sát, và tra cứu các văn bản liên quan đến việc xây dựng nhà ở xã hội cho SV, các tác giả đã mạnh dạn đưa ra giải pháp “Mô hình nhà ở tập thể cho SV” tại khu vực An Phú (Q.2) ở phần 2 của đề tài. Với “mô hình” của mình, nhóm thực hiện đề tài cho thấy những ưu điểm như giải quyết được chỗ ở ổn định và thoải mái cho SV; tạo ra môi trường giao lưu học hỏi nâng cao trình độ học tập và đặc biệt là xóa dần khoảng cách giữa SV trong và ngoài công lập; thuận lợi về giao thông… Đặc biệt là khuyến khích được các doanh nghiệp tư nhân cùng xây dựng mô hình này.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Đề tài “Tìm hiểu thực trạng và đề xuất giải pháp chỗ ở tập thể cho SV tại TP.HCM” thuộc lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc xây dựng đã lọt vào vòng chung kết Eureka năm 2009 (chưa có kết quả xếp hạng). Đề tài này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học và tính thực tiễn mà còn mang tính thời sự rất cao.
 

Bình luận (0)