Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Sinh viên hiến kế cho giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhóm sinh viên đoạt giải trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ”

Những ý tưởng độc đáo, mới lạ nhưng vô cùng thiết thực của nhiều bạn sinh viên tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ” với chủ đề “An toàn giao thông” do Ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã nhóm lên hy vọng về sự thay đổi tích cực của giao thông thành phố.
Chuông báo thân thiện và thẻ chi trả thông minh
Đối với giới sinh viên thì xe buýt là phương tiện giao thông gần gũi nhất. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều ý tưởng sáng tạo đã được các bạn sinh viên thể hiện trong cuộc thi gắn với loại hình phương tiện này.
Không hề phức tạp lại dễ dàng thực hiện, ý tưởng “Cải tiến chuông báo trên xe buýt” của cô sinh viên Tạ Thu Thủy – ngành kỹ thuật máy tính (ĐH Công nghệ thông tin) đã giành giải nhất trong cuộc thi. Thu Thủy giải thích: “Với ý tưởng này, xe buýt sẽ được thiết lập hệ thống bảng thông báo các trạm dừng cùng với bàn phím nhập số. Bước lên xe, hành khách sẽ lựa chọn số thứ tự của trạm mà mình muốn xuống. Khi gần đến trạm được chọn, tín hiệu đèn màu vàng sẽ xuất hiện trên bảng thông báo. Nhờ vậy mà khách có thể theo dõi hành trình xe buýt dựa vào bảng thông báo để xuống xe đúng trạm”. Hàng ngày đi học bằng xe buýt, vì hệ thống chuông báo trên xe không phát huy hết tác dụng, nên việc xuống nhầm trạm rồi phải đi bộ ngược lại với Thu Thủy là chuyện hết sức bình thường. Thu Thủy chia sẻ: “Không chỉ dừng nhầm trạm mà đôi lúc các bác tài còn ghé trạm rất đột ngột, gây nguy hiểm cho người đi đường… Nếu cải tiến được hệ thống chuông báo trên xe buýt có lẽ tình hình trên cũng sẽ được khắc phục phần nào”.
Cùng chung mong muốn hướng tới loại hình xe buýt  thiết thực và gần gũi hơn với người sử dụng, chàng sinh viên Nguyễn Tấn Lực lại có tham vọng thay đổi dịch vụ chi trả thông minh trên xe buýt trong ý tưởng “Xe buýt thân thiện”. Tấn Lực chia sẻ: “Hành khách đi xe buýt sẽ có được một loại thẻ mà trong đó tích hợp giữa mã vạch đi xe và tài khoản ngân hàng. Với sinh viên còn cộng thêm thẻ sinh viên. Người sử dụng sẽ quét thẻ đó vào máy quét, còn tiền sẽ trừ trực tiếp trên tài khoản, sau đó chuyển đến cho công ty vận tải hành khách thông qua một ngân hàng chung…”.
Đến tranh vẽ 3D và tin nhắn…
“Khi tham gia giao thông là mỗi người chúng ta đang tham gia vào một loại hình nghệ thuật – nghệ thuật điều chỉnh tay lái của mình. Để giảm thiểu tai nạn giao thông thì đòi hỏi nghệ thuật đó càng phải được mỗi người chú ý rèn luyện…”. Đó là tâm tình của chàng sinh viên Ông Quang Sâm (ĐH KHXH&NV TP.HCM) khi chia sẻ về ý tưởng “Tranh vẽ 3D làm giảm tai nạn giao thông” đạt giải khuyến khích của mình.
Tình cờ một lần nhìn thấy trên một trang mạng xã hội những bức tranh 3D lấy chiều sâu làm điểm nhấn để hút mắt người xem, Quang Sâm đã nảy ra ý tưởng đưa loại hình tranh này vào trong giao thông. “Trên mặt đường sẽ được vẽ những bức tranh 3D sinh động. Với các đoạn đường có trường học hay bệnh viện, những bức tranh sẽ có chủ đề về thầy cô, học sinh hay bác sĩ đang băng qua đường. Vì sự thu hút, các bức tranh sẽ làm cho người tham gia giao thông giảm tốc độ… Từ đó sẽ giảm được những tai nạn không mong muốn”.
Cũng sẽ thông tin về tình hình ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thành phố như chương trình VOV Giao thông, nhưng ý tưởng “Dịch vụ tin nhắn tư vấn tình hình giao thông” của nhóm 3 sinh viên ĐH Kinh tế – Luật lại tiện ích và dễ thực hiện hơn rất nhiều. Với VOV, bắt buộc người theo dõi phải có radio mới có thể tìm hiểu giao thông chung trong thành phố. Còn với ý tưởng này, người sử dụng sẽ có trọn vẹn thông tin mình cần tại mỗi tuyến đường chỉ gói gọn trong một tin nhắn. Trưởng nhóm Nguyễn Thế Trọng chia sẻ: “Vào mỗi giờ tan tầm, tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường trọng điểm là rất lớn, tuy nhiên nhiều tuyến đường lại hết sức thông thoáng. Phần lớn phương tiện lưu thông là xe máy, nếu dùng tai nghe để theo dõi VOV Giao thông thì có thể sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung của người điều khiển. Tuy nhiên, với dịch vụ tin nhắn này, bạn chỉ cần soạn tin theo cú pháp: THGT (khoảng trắng) X (khoảng trắng) và gửi tới Tổng đài Y. Trong đó THGT là tình hình giao thông; X là quận, VD: Quận 3 là Q.3, Y là mã số tổng đài. Chỉ 1 phút sau bạn sẽ có thông tin về tình hình giao thông trên tất cả các tuyến đường thuộc Q.3…”.
Anh Nhựt Thông – thành viên Ban tổ chức cuộc thi – nhận xét: “Những ý tưởng sáng tạo của sinh viên vừa gần gũi lại vừa thiết thực, có tính khả thi rất cao. 10 đề tài vào chung kết đang được Ban tổ chức vận động hỗ trợ kinh phí để đưa ý tưởng vào phục vụ cộng đồng, hy vọng sẽ sớm trở thành hiện thực…”.
Bài, ảnh: Đỗ Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)