Tòa soạnThư đi – tin lại

Sinh viên – học sinh: Đừng quên chuyện “hậu Tết”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

SV-HS vui xuân nhưng đừng quên “nhiệm vụ”  (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.LÊ

Những ngày Tết là dịp để các sinh viên – học sinh (SV-HS) quây quần bên gia đình, vui chơi thoải mái. Nhưng các bạn không nên kéo dài niềm vui ấy sang cả những ngày buộc ta phải tập trung vào việc học tập. Đừng để chuyện “hậu Tết” trở thành nỗi niềm không vui.
Từ HS đến các SV
“Tết năm rồi mình thường xuyên thức khuya để vui chơi, ăn uống với bạn bè, online Facebook, đặc biệt là chơi lô tô cùng anh chị em trong nhà. Kết quả là hai con mắt mình thâm quầng, lên lớp học lại toàn nghĩ đến mấy con số trong lô tô. Có thể nói, thức khuya không chỉ hại sức khỏe mà còn khiến mình mất tập trung khi trở lại lớp nên năm nay mình rút kinh nghiệm” – bạn Yến Nhi – lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu – TP.HCM chia sẻ. Còn bạn Lê Vũ (lớp 10 – Trường THPT Tân An) thật thà kể: “Năm rồi những ngày Tết, mình quen với việc tối ngủ khuya, sáng thì lại ngủ nướng. Nên sau Tết bắt đầu đi học, mình dậy trễ rồi vào lớp trễ. Mà nếu đi trễ nhiều lần lại có nguy cơ hạ bậc hạnh kiểm thì niềm vui sau Tết sẽ tan biến mất. Đã vậy, mình còn chưa lấy lại được thăng bằng trong việc học, thầy cô giảng tới đâu mình đều quên tới đó. Bài tập về nhà chất đống vì chẳng biết làm thế nào. Kết quả là kì thi giữa học kì 2 năm ngoái, điểm thi mình không được như ý muốn…”. Thường thì sau Tết cũng là lúc HS chuẩn bị bước sang học kì 2, chính vì vậy nên bài kiểm tra đầu năm được coi như bước khởi đầu của học kì này. Tuy nhiên, do tâm lý “mải chơi” của nhiều bạn trong dịp Tết nên lượng kiến thức cần phải học còn đọng lại khá nhiều. Do đó, không thể tránh khỏi cảm giác lo sợ của nhiều bạn trước các bài kiểm tra. “Ngay buổi học đầu tiên khi vừa ăn Tết xong, sau phần lì xì, chúc tụng nhau thì cô dạy lý nhắc buổi kiểm tra làm cả lớp ỉu xìu, lo lắng. Mà đâu chỉ một cô, ngoài lý, tụi mình còn phải kiểm tra cả toán, hóa, Anh nữa. Điểm kém là cái chắc” – Mai Thủy (lớp 12 – THPT P.N) kể!
Ông bà có câu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Chính vì thế mà không ít SV có những suy nghĩ rằng: “Cứ từ từ… lo gì, cứ vui thêm tí nữa”. “Chuyện vắng SV trong giảng đường những ngày đầu tiên sau kì nghỉ Tết gần như là chuyện bình thường. Vì gia đình muốn con mình có được ngày Tết trọn vẹn nên chẳng ngại đưa các bạn về quê chơi hoặc du lịch nước ngoài, đến hết Tết rồi lấn sang mấy ngày đi học. Lý do để vào học trễ thì nhiều: Muốn ở lại chơi với ông bà, không có vé máy bay, đi chơi về mệt… Thế là các bạn mạnh dạn tự nghỉ sang tuần đi học” – Lê Hoàng Giang, SV Trường  ĐH Công nghiệp TP.HCM chia sẻ một thực tế.
Thói quen của SVsau Tết thường đủng đỉnh, ham chơi và quên ôn luyện. Một vài SVcòn thích tận hưởng cảm giác ăn Tết nên đã vào học thường vẫn còn thói quen kéo các trò chơi, những thú vui Tết vào giảng đường: Nữ thì hột dưa hột bí, nam sinh thì domino, bài cào, bài tiến lên… Đó là chưa kể SV có thói quen bói toán rôm rả những ngày “hậu Tết”… Điều này dễ dàng tạo nên một hiệu ứng “tê liệt tạm thời” về phong độ làm việc, nhịp sống, SVmất hẳn phong độ học tập, quên kỹ năng thực hiện các bài tập thường ngày. Không ít bạn trong số đó không đủ nguồn năng lượng để làm việc, để chinh phục mục tiêu…
Vui xuân không quên “nhiệm vụ”
Cuộc vui nào cũng cần có điểm dừng. Chính vì thế mà các SV-HS đừng chủ quan. Dù  đã lên kế hoạch sẵn sàng cho những ngày Tết thì cũng đừng quên dành ra một chút thời gian mỗi ngày để ôn lại kiến thức cũ, có thế thì mới không còn chút ái ngại nào với những bài kiểm tra đầu năm.
ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An (Trung tâm Tư vấn tâm lý Ý tưởng Việt – TP.HCM) chia sẻ: “Các bạn không nên quá khắt khe với chính mình nhưng việc trang bị một thái độ sống tích cực, những kỹ năng để phòng vệ với vấn đề này cũng rất cần thiết. Việc “hậu Tết” sẽ không phải là nỗi lo của bất kỳ người thân, gia đình, trường học và cả chính bản thân mình nếu tuân thủ những kế hoạch đã xác lập. Quan trọng hơn nữa là các bạn cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định: Nên chơi có giới hạn và ngay trong xuân phải dành một khoảng thời gian theo kiểu văn ôn võ luyện. Nghiêm khắc với chính mình về thời gian biểu, kế hoạch… để giữ được phong độ. Tập trung tối đa trong kế hoạch xác định để giữ cho mình một phong cách làm việc hay học tập hiệu quả. Vui xuân mà không quên “nhiệm vụ” có lẽ là phương châm sáng suốt nhất…”.
Quyên Quyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)