Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên, học sinh “xuống đường” tranh đấu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bài cuối: Đem hết tài năng để giúp đời

Ông Thập vạch tóc chỉ vết sẹo trên đầu

Tại buổi họp mặt Ban liên lạc ba má phong trào HSSV do Quận đoàn Phú Nhuận tổ chức kỷ niệm ngày HSSV 9-1-2009, ông đứng lên ôm cây đàn ghi – ta đánh bản hòa tấu Giã từ mùa thu của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Tiếng đàn của ông đã làm cho nhiều cựu HSSV khu Sài Gòn – Gia Định nhớ đến nao lòng một thời “cất tiếng hô đấu tranh vang thành đô, đình công bãi thị giành áo cơm tự do”. Ông là họa sĩ -nhạc sĩ Hòa Thanh – nguyên cán bộ Đài Tiếng nói nhân dân Nam bộ.
Tay cầm đàn tay cầm cọ
Giống như một số bạn bè khác, tuổi thơ của Võ Quang Thập (tên thật của Hòa Thanh) chìm trong khói lửa đạn bom. Lớp học cậu bé quê ở Bến Tre phải sơ tán nhiều nơi vì chiến tranh. Chỉ đến khi vào học lớp 6 Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Q.5 Thập mới không phải chuyển trường. Vào đây không chỉ được thầy cô truyền thụ kiến thức mà Thập còn được làm quen với một số hoạt động xã hội của phong trào học sinh. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, anh nhanh chóng trở thành hạt nhân tích cực của phong trào. Do có hoa tay và một số tài lẻ nên Thập thường được bạn bè giao cho công việc trang trí, mỗi khi có lễ hội. Bắt đầu là những hình vẽ minh họa cho mấy bài thơ, một trang bìa kỷ yếu. Thấy anh họa sĩ tay ngang có năng khiếu trời cho nên mỗi khi làm bích báo, viết khẩu hiệu lớp lại “đùn đẩy” cho Thập. Sẵn lòng nhiệt tình và đam mê nghệ thuật nên Thập không từ chối gì cả. Không chỉ biết vẽ đẹp Thập còn có niềm say mê khác nữa là âm nhạc. Sau những giờ học, anh lại ôm cây đàn ghi ta cũ cùng bạn bè hát những bài ca quê hương, bài ca chiến đấu. Nhiều học sinh thời đó vẫn còn nhớ hình ảnh “chàng nghệ sĩ” có vóc dáng nhỏ bé thường đệm đàn cho dàn đồng ca trên sân khấu. “Tiếng lành đồn xa” dần dần các lớp khác cũng biết đến những “ngón nghề” của Thập nên họ thường nhờ anh kẻ khẩu hiệu, viết băng rôn… “Khách” quen đến ngày một đông hơn và chuyện vẽ vời của anh trở thành nghề tay trái lúc nào không hay. Điều mà Thập cảm nhận rõ nhất là các “sản phẩm” do anh làm ra đều phục vụ cho mục đích tuyên truyền, kêu gọi học sinh, sinh viên đoàn kết, xuống đường đấu tranh. Biết là nguy hiểm nhưng Thập nghĩ đây cũng chính là phần công sức của mình đóng góp cho hoạt động chung. Được đứng vào hàng ngũ của Đoàn thanh niên CS Việt Nam năm lớp 11, Thập trưởng thành hơn về ý thức chính trị và càng có nhiều đóng góp cho phong trào. Ngoài giờ học, Thập lại chúi đầu vào việc sáng tác nhạc, cắt dán các câu khẩu hiệu tố cáo chế độ học đường của chính quyền thực dân, ủng hộ các hoạt động của giới trí thức nội đô. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Thập là cứ vào dịp 19-5 hàng năm, anh lại ngồi họa chân dung Cụ Hồ, ban đêm cùng các bạn xuống phố rải truyền đơn, bí mật viết khẩu hiệu lên tường, lên vách các trụ sở. Không chỉ ngồi trên gác trọ cùng cây cọ, có dịp anh còn xuống đường biểu tình, bãi khóa mà chấn động nhất là sự kiện ngày 9-1-1950.
Xếp bút nghiên đi làm cách mạng
 Năm 1949 sau cuộc bãi khóa ngày 23-11 của học sinh Trường Gia Long và Pétrus Ký nhân ngày Nam kỳ khởi nghĩa, thanh niên học sinh Trường Pétrus Ký tiếp tục tổ chức biểu tình yêu cầu Nha học chính Việt Nam thay đổi chế độ học đường và thả những học sinh bị bắt trong cuộc bãi khóa. Chính vì thế cuộc biểu tình ngày 9-1-1950 đã trở thành ngày hội lớn của thanh niên học sinh trường Pétrus Ký.
 Ngồi giữa mấy giá vẽ và đống chai hộp bột màu trong ngôi nhà riêng của người họa sĩ già trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh tôi chăm chú lắng nghe ông kể lại: “Bữa đó đoàn biểu tình kéo đến tụ tập tại Dinh thủ hiến Nam phần của Thủ tướng Trần Văn Hữu nằm góc Lý Tự Trong – Nam kỳ khởi nghĩa (nay là Bảo tàng cách mạng Việt Nam) để đưa ra yêu sách. Giải tán không được, cảnh sát dùng vòi nước xịt vào đám biểu tình làm nước văng tung tóe khắp nơi, nhiều người quần áo ướt hết. Một số học sinh liều lĩnh dàn hàng ngang xông vào để lấy dao cắt ống nước thì bị chúng đánh dùi cui vào người. Học sinh cũng tìm đất cục đá xanh chọi lại, cuộc biểu tình bắt đầu hỗn loạn, lúc đó khoảng 1 giờ trưa”.
 Kể đến đây ông Thập dừng lại nghiêng đầu xuống và vạch tóc ra. Khi tôi nhìn thấy vết sẹo phía bên trái ở trên đầu, ông giải thích thêm: “Đây là vết sẹo tôi bị một tên lính mã tà lấy dùi cui quất lên đầu. Trước đó bọn lính dồn nhóm học sinh có tôi trong đó vào bức tường xây. Có tiếng súng nổ, đám đông càng thêm náo loạn. Chúng tôi mạnh ai nấy chạy leo lên đống xe đạp nằm đổ bên đường. Đầu nhức buốt nhưng tôi vẫn cố chạy thoát ra hướng Dinh Độc lập. Đến đường Huyền Trân công chúa thấy máu chảy nhiều quá các bạn dìu tôi lên xe chở về Nhà thương Chợ Rẫy”. Theo lời ông kể, cũng chính vì được đưa vào bệnh viện mà hai ngày sau ông trở thành người “nổi tiếng”: “Khi vào trong nhà thương tôi thấy có 3 nữ sinh của trường cũng bị đánh trên đầu vừa được các y tá băng bó đang nằm thiếp trên giường. Do thấy tôi tỉnh táo và còn nói chuyện được nên anh y tá hỏi thăm và ghi tên Võ Quang Thập đứng đầu tiên trong danh sách. Hôm sau khi báo đăng bà con họ hàng dưới Bến Tre hay tin vội tức tốc lên Sài Gòn để vào thăm tôi”.
 Cuối năm 1950 Võ Quang Thập vội xếp bút nghiên cùng một số thanh niên khác đi vào chiến khu D vùng Thủ – Biên tham gia cách mạng. Nơi công tác của ông là Đài Phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn tự do và sau đó là Đài phát thanh Giải phóng, Sở thông tin Nam bộ. Từ một người đệm đàn, ông được phân công phụ trách ban nhạc, thư ký riêng cho đồng chí Chín Kỳ – Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân Nam bộ. Đây là thời gian ông sống và làm việc nhiều nhất tại các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau… Năm 1960 ông trở lại Sài Gòn dạy họa, nhạc tại các trường THCS quận 1, 3, Phú Nhuận cho đến khi nghỉ hưu.
Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)