Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội học trực tuyến. Ảnh: HOU |
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, hai năm qua, phần lớn sinh viên từ năm thứ 3 của trường đều tham gia phòng chống dịch COVID-19. Sau đó, sinh viên trở về trường tiếp tục hoàn thành chương trình, học bù những phần học đã bị bỏ qua.
Ông Tú nói rằng, là ngành học đặc thù, sinh viên y chủ yếu học lâm sàng tại các bệnh viện. Nhưng do dịch COVID-19, sinh viên không được đến bệnh viện thực hành, hoặc số lượng bệnh nhân cũng giảm, nên nhà trường cố gắng giảm tối đa ảnh hưởng có thể có đối với việc học của sinh viên, như thay thế bằng các video, bài giảng điện tử tương tác với người học.
Với những môn học không thể hướng dẫn trực tiếp, bác sĩ phải quay video khám trên người đóng vai để sinh viên học. Sau này đi lâm sàng, sinh viên sẽ có trải nghiệm bù.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, nói rằng, về chuyên môn, các trường cố gắng đảm bảo đủ điều kiện để đạt chất lượng cơ bản, nhưng hạn chế bởi những điều kiện khác, gồm tính thực tế, thực tiễn, kỹ năng mềm như giao tiếp xã hội. Những hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực sau này.
“Từ năm thứ ba, sinh viên bắt đầu đi thực tế, nên hai năm qua, các khóa đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch COVID-19. Nhà trường đành bù bằng các bài thí nghiệm mô phỏng. Hiện nay, các trường đều vừa chạy vừa xếp hàng để tìm hướng giải quyết nhưng khó quá”, ông Chương chia sẻ.
Để bù đắp một phần những thiếu hụt cho sinh viên, nhà trường duy trì tổ chức hội thảo trực tuyến để cung cấp thông tin mới, nhưng sinh viên tiếp nhận đến đâu, có hào hứng không thì rất khó đánh giá.
Theo ông Chương, học trực tuyến chỉ đảm bảo được các học phần lý thuyết. Những hạn chế được bộc lộ rất rõ khi chấm tốt nghiệp, sinh viên chỉ nói theo sách, không có thực tế. Ông cho hay, vẫn có một số sinh viên không biết tự học, một số trường ĐH chưa có thư viện số để phục vụ sinh viên.
Ông đề xuất nên ưu tiên chuyển đổi số trong giáo dục, từ đó xây dựng bài giảng trực tuyến đúng nghĩa, hiện nay mới chỉ sử dụng hình thức đơn giản là dùng Microsoft PowerPoint.
Chia sẻ với phóng viên, ThS. Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin – truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, cho biết, dựa trên danh sách sinh viên các khóa 2018, 2019, 2020 đăng ký nhận tài liệu theo thông báo hướng dẫn trước đó của Phòng Đào tạo, nhà trường đã chuyển giáo trình đến nhà sinh viên theo đường bưu điện. Sinh viên nhận được giáo trình kịp thời để bắt đầu học kỳ I năm học 2021-2022 ngày 20/9 tới theo hình thức trực tuyến.
Sinh viên khóa 2021 sẽ học trực tuyến từ ngày 4/10 và tài liệu cũng được gửi qua đường bưu điện cho các em. Bà Bích nói rằng, nhiều sinh viên thích cầm giáo trình để học. Nhiều trường ĐH khác như Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở TPHCM… cũng gửi giáo trình theo yêu cầu của sinh viên.
Bộ GD&ĐT cho rằng cần phải tận dụng bài giảng, bài học điện tử, tải trên mạng, kết nối cổng thông tin điện tử, YouTube, truyền hình… hướng dẫn học sinh học từ xa nhằm hỗ trợ học tập tốt nhất. Hiện Bộ GD&ĐT chuẩn bị một kho học liệu rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế, ngay cả bậc học ĐH, mãi đến tháng 6 vừa qua, hơn 40 trường ĐH trên cả nước mới ký kết quy định cơ chế vận hành thư viện điện tử dùng chung. Như vậy, dù ở bậc học cao, có quyền tự chủ, các trường ĐH cũng cần phải có một thời gian nữa mới có thể có nguồn học liệu trực tuyến dùng chung phục vụ sinh viên.
Bình luận (0)