Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên hồn nhiên… nói ngọng

Tạp Chí Giáo Dục

Chân ướt chân ráo từ quê lên Hà Nội học hoặc đã sắp sửa cầm bằng ĐH đi xin việc, nhiều cô cậu sinh viên vẫn hồn nhiên lẫn lộn “l” và “n”. Chuyện tưởng rằng nhỏ nhưng đôi khi khiến khổ chủ dở khóc dở cười khi giao tiếp và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Hồn nhiên nói ngọng 

Nhiều sinh viên khi đến trường ĐH vẫn giữ nguyên giọng nói của địa phương mình. Sinh viên đến từ Thạch Thất – Hà Nội thường nói giọng rất nặng, khó nghe. Sinh viên từ huyện Ứng Hòa thường nói nhẹ ở cuối câu. Nhiều sinh viên đến từ một số huyện của Thanh Hóa thường không phát âm được các từ có dấu hỏi (?) hoặc dấu ngã (~), phát âm vần “oc” thành vần “ooc”.
Thế mới có chuyện một cậu sinh viên khoa sư phạm văn đọc bài trước giảng đường đã khiến cả lớp phải ôm bụng cười đến vỡ lớp: “Tất cả mọi người chen lấn xô “đẫy” qua một cái “cữa”, trong đám đông vang lên nhiều tiếng “khoóc”…
Ngày nhập học ở Học viện hành chính Quốc gia, các tân sinh viên tíu tít hỏi nhau quê quán. Một cô gái ở Thanh Miện – Hải Dương sau khi biết quê bạn mình ở Quảng Ninh thì oang oang: “Ôi Quảng Linh à, Quảng Linh là hay “lói” ngọng “nắm” đấy nhé!"
Khó tìm việc chỉ vì nói ngọng
Nguyễn Thanh – sinh viên học khá trong lớp sư phạm Ngữ văn Trường ĐH Giáo dục Việt Nam đã rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Vừa mới xin được làm gia sư cho một học sinh lớp 2, Thanh đã bị từ chối khéo khi chủ nhà một lần đứng học cùng con trai phát hiện ra Thanh bị ngọng. Nếu định hình được câu nói trong đầu trước, Thanh nói thật chậm sẽ không bị nhầm lẫn l,n. Tuy nhiên, nghề gia sư buộc Thanh phải nói nhiều và tật nói ngọng trầm trọng này cô đã bị chủ nhà phát hiện.
Khổ nhất là những nữ sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền đến từ một số tỉnh khác. Dáng đẹp, khuôn mặt ưa nhìn, nhiều bạn ấp ủ ước mơ được làm biên tập viên, MC, tuy nhiên không ít trong số đó bị loại ở buổi phỏng vấn chỉ vì tật nói ngọng. Một chương trình truyền hình, chắc chắn không thể nào có một người dẫn chương trình làm loạn trường quay chỉ vì nói Hà Nội thành Hà Lội và nước Lào thành nước Nào!
Sinh viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau, bị ảnh hưởng theo phương ngữ địa phương là một điều khó tránh khỏi. Nhiều sinh viên e ngại về gia đình bị phàn nàn rằng mới lên Hà Nội được ít hôm đã “bày đặt” đổi giọng quê nên không thay đổi giọng nói. Không ít sinh viên khi bị bạn bè nhận xét nói ngọng còn đỏ mặt ngụy biện: “Mắng cha không bằng pha tiếng” và kiên quyết giữ giọng nói bị ngọng đến cùng.
Nói ngọng tưởng đơn giản nhưng làm mất đi hình ảnh của người nói rất lớn. Trưởng thành, tiếp cận với công việc chuyên môn, cần giao tiếp nhiều, sinh viên rất cần phải xem lại việc phát âm của mình. Mọi thói quen đều có thể sửa lại nếu có quyết tâm. Nhiều trường hợp, đôi khi chỉ vì một câu nói nhầm lẫn “l”, “n”, cơ hội để chính sinh viên đó đến với nhiều công việc tốt đẹp đành khép lại.
Theo Thúy Hằng
Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)