Không thấy được ánh sáng, những người khiếm thị này vẫn đeo đuổi ước mơ đại học. Tưởng chừng những sự vượt khó đó sẽ được đền đáp xứng đáp nhưng thật buồn là sau khi tốt nghiệp, họ không thể tìm được công việc phù hợp với chuyên môn của mình.
Ước mơ được cống hiến
Để sở hữu được tấm bằng ĐH, CĐ, những người khiếm thị đã trải qua khá nhiều gian truân. Từ việc nỗ lực vượt qua kì thi tuyển sinh khốc liệt, họ lại tiếp tục rèn luyện trong khoảng thời gian ngồi ở giảng đường ĐH. Sở hữu trong tay tấm bằng họ chỉ mong muốn những công sức của mình sẽ được xã hội chấp nhận, một khát vọng nhỏ bé là tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành đã học.
Sở hữu tấm bằng ĐH nhưng những người khiếm thị vẫn khó
tìm được một công việc ổn định.
Đam mê âm nhạc từ khi còn bé, Quốc Hoàn đã theo đuổi đàn bầu gần hai chục năm nay. Học đàn từ khi lên 9 tuổi tại trường mù Nguyễn Đình Chiểu, ước mơ được đi diễn ở nhiều nơi đã thôi thúc Hoàn học tám năm tại Học viện Âm nhạc Hà Nội. Miệt mài bốn năm theo học trung cấp, bốn năm đại học, anh luôn coi đàn bầu là một thứ không thể tách rời. Thời gian đầu anh còn nhờ các bạn sinh viên sáng mắt đọc cho nhạc để chép ra chữ nổi.
Ra trường, ước mơ cống hiến cho âm nhạc, đi diễn ở nhiều nơi không thành, anh cùng nhóm bạn học từ cấp 1 chọn khoa Báo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn với mong muốn tìm được công việc ổn định, được thể hiện mình “tàn nhưng không phế”. Sau khi tốt nghiệp khoa Báo trường Nhân văn, kiếm được tờ báo nhận người khiếm thị chỉ như “mò kim đáy biển”. Cộng tác viên cho tạp chí của Hội Người mù một thời gian, nhưng không có chi phí hoạt động, Hoàn chỉ còn biết để nghề báo là nghề tay trái và bắt tay kiếm việc khác.
Quốc Hoàn tự tin khẳng định: “Tôi tự tin về khả năng chơi nhạc cụ của mình không thua kém một người bình thường, với tình yêu đàn bầu, tôi có thể chơi được trong một dàn nhạc lớn.”. Mặc dù có trong tay hai tấm bằng ĐH, một cử nhân Thanh nhạc, rồi cử nhân Báo chí nhưng cũng chưa đủ để Hoàn kiếm được một công việc ổn định.
Cùng ở hoàn cảnh tương tự, Đỗ Thị Năm mơ ước trở thành phiên dịch viên quốc tế. Năm sinh ra ở một vùng quê nghèo Phúc Thọ (Hà Nội) trong một gia đình có năm anh em. Bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người bố, cô bị mù từ bé. Vượt lên mặc cảm số phận, đeo đuổi sở thích tiếng Anh từ cấp 2, năm 2004 cô “liều” thi vào hệ tại chức khoa Anh văn Viện ĐH Mở Hà Nội với khao khát được trở thành một nữ phiên dịch viên giỏi, muốn có cơ hội làm việc với người sáng mắt, với người nước ngoài.
Sau khi có được tấm bằng trong tay loay hoay đủ mọi cách thì giờ đây công việc chính của Năm là làm xoa bóp bấm huyệt ở quận hội người mù quận Tây Hồ. Ngoài ra cô còn tìm được công việc trực điện thoại cho một công ty bánh ngọt của Đức. Với khoản thu nhập ít ỏi, Năm gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. “Ước mơ được dịch cho nhiều tổ chức chương trình quốc tế giờ đối với chị xa vời lắm em ạ. Chỉ còn cuộc sống trước mắt thôi, mong công việc hiện tại ổn định, chị được nhận vào làm chính thức” – cô gái mù tâm sự.
Cần một lối thoát!
Biết là sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi tốt nghiệp nên cô sinh viên khiếm thị nhỏ nhắn tên Thương hiện đang theo học năm cuối khoa Lưu trữ và quản trị văn phòng trường ĐH Khoa học, Xã hội & Nhân văn đã có kế hoạch rõ ràng cho tương lai. Cô định hướng sẽ xin về quận hội người mù tỉnh Thái Nguyên, hay sẽ học thêm một bằng sư phạm ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để trở về ngôi trường nơi cô từng học làm giáo viên trợ giảng.
Thương đã tìm cho mình chỗ học tiếng Anh ở Trung tâm Sống độc lập để nâng cao kỹ năng giao tiếp của mình. Theo quan niệm của Thương thì: “Đối với người khiếm thị, điều cần nhất để thành công và được xã hội công nhận là học tiếng Anh và tin học thật tốt. Cơ hội việc làm sẽ mở rộng cho chính bạn.” Bởi theo kinh nghiệm của Thương khi tham gia vô số ngày hội việc làm, Thương bị “hụt” cơ hội làm việc chỉ vì khả năng tiếng Anh chưa đủ “độ”.
Mặc dù những người khiếm thị luôn có những định hướng rõ ràng như vậy, tuy nhiên theo đánh giá của các nhà quản lý thì không dễ dàng gì để họ có thể thành công với những gì mình đang nghĩ.
Một cán bộ quản lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng tâm sự với chúng tôi: “Nếu như ở nước ngoài người ta đưa ra hẳn một quy định riêng về bố trí việc làm cho người khiếm thị, khuyết tật… Đơn vị, tổ chức nào nào tiếp nhận các đối tượng này sẽ được miễn thuế. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta chưa có một quy định nào để tạo điều kiện cho các sinh viên khiếm thị tốt nghiệp ra trường. Bản thân họ vẫn phải tự thân vận động tìm kiếm việc làm nhưng thú thực sẽ vô cùng khó nếu không chọn học một chuyên ngành phù hợp điều kiện hoàn cảnh”.
Cũng theo cán bộ này thì hiện nay rất nhiều người khiếm thị khát khao đến với giảng đường ĐH nhưng họ lại chọn những chuyên ngành rất khó để các đơn vị tuyển dụng chấp nhận bởi những công việc này ngay cả những người sáng mắt còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế có lẽ khi đầu đơn dự thi ĐH, bản thân thí sinh khiếm thị cần phải định hướng đến với các chuyên ngành liên quan đến giáo dục đặc biệt. Chỉ có như vậy họ mới có thể tìm được một công việc thích hợp với kiến thức đã học.
Với ước mơ hoài bão có một tấm bằng ĐH, được cống hiến bằng chính niềm đam mê và ngành nghề mình học là khao khát của không ít những người khiếm thị. Nhưng cơ hội đến không phải là nhiều. Họ có một mơ ước nhỏ nhoi – mơ ước được như người bình thường nhưng dường như lại là một bài toán không hề dễ.
Vũ Ngân – Nguyễn Hùng
Theo Dan tri
Tin liên quan
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc xây dựng một lớp học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở những giờ...
Sử dụng nền tảng số, AI để sáng tác nhạc, thiết kế sách điện tử, xây dựng video, biển báo biết nói…...
TP.HCM xây dựng 7 giải pháp phấn đấu đến hết năm 2030 có 35% công chức ngành GD-ĐT đạt trình độ ngoại...
Tôi đang theo học một lớp cao học tại TP.HCM, đồng thời cũng nắm bắt cách học của một số bạn bè...
Bình luận (0)