Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sinh viên khó học tiếng Trung

Tạp Chí Giáo Dục

Băng đĩa kém chất lượng lâu nay đã gây trở ngại cho sinh viên và cả giảng viên trong môn nghe tiếng Trung. Theo đánh giá của giảng viên, việc dạy tiếng Trung thời gian qua trong tình trạng có tới trên 65% băng đĩa chất lượng từ bình thường tới kém…

Kỹ năng nghe được cho là khó dạy và học nhất đối với tiếng Trung. Theo đó, nhiều giảng viên ngại dạy môn nghe hiểu vì khó thấy hiệu quả tức thời, thường phải đầu tư rất nhiều thời gian để tiết dạy thực sự đạt chất lượng.

Khảo sát mới đây của TS. Nguyễn Phước Lộc và ThS. Trần Khai Xuân – cùng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – đối với các giảng viên dạy tại 8 khoa thuộc 7 trường ĐH khu vực TP.HCM cho thấy, thời lượng dành cho môn nghe tiếng Trung ở đa số các trường còn hạn chế. Điều này có thể do thời lượng bị rút ngắn khi chuyển sang học tín chỉ, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của môn nghe, giáo trình thiếu phong phú…

Nghe bài hát, phim… cũng góp phần tăng hứng thú và hiệu quả học tập cho sinh viên tiếng Trung
Mặc dù phần lớn giảng viên cho rằng, hình thức “nghe và trả lời câu hỏi” mang lại hiệu quả tốt nhất, nhưng lại ít áp dụng vào giảng dạy trên thực tiễn so với các hình thức khác.

Điều kiện giảng dạy môn nghe còn hạn chế, đa số vẫn giảng dạy trong các lớp học bình thường, chất lượng băng đĩa chưa tốt. Theo đánh giá của giảng viên, tỷ lệ băng đĩa bình thường tới kém chất lượng chiếm đến trên 65%. Mặc dù phần lớn giảng viên cho rằng, hình thức “nghe và trả lời câu hỏi” mang lại hiệu quả tốt nhất, nhưng lại ít áp dụng vào giảng dạy trên thực tiễn so với các hình thức khác. Ngoài ra, các hình thức mang tính tương tác cao, đòi hỏi sinh viên chủ động (nghe – dịch, nghe – lặp lại, nghe – viết, làm việc nhóm) cũng được sử dụng một cách hạn chế. Giảng viên ít hoặc không thiết kế thêm dạng bài tập mà chủ yếu cho sinh viên làm các bài tập có sẵn trong giáo trình. Cũng có một số giảng viên sử dụng nhạc, phim… để tăng hứng thú học tập cho sinh viên nhưng hoạt động này chưa mang tính hệ thống.

Khảo sát còn được hai tác giả thực hiện trên sinh viên thuộc 8 khoa của 7 trường ĐH tại TP.HCM có đào tạo tiếng Trung như: ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Ngoại ngữ – Tin học, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Hồng Bàng, ĐH Mở, ĐH Nguyễn Tất Thành với 700 phiếu hỏi. Qua khảo sát, đa số sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của môn nghe nhưng đều cho là khó. Cụ thể, gần 50% sinh viên cho rằng môn nghe khó nhất trong 4 kỹ năng. Theo sinh viên, tốc độ nói nhanh là nguyên nhân hàng đầu gây khó nghe cho người học. Trong khi đó, chất lượng băng đĩa chưa tốt cũng được 46% sinh viên cho là ảnh hưởng đến khả năng nghe. Bên cạnh đó, số lượng từ mới nhiều, lớp học đông và ồn, người học thiếu kiến thức chuyên ngành (về chính trị, khoa học kỹ thuật, lịch sử, địa lý…)  cũng dẫn đến khó nghe kịp.

Dù phần lớn giảng viên yêu cầu sinh viên nghe bài học trước khi đến lớp nhưng theo nhóm tác giả, việc nghe trước này nếu thiếu định hướng cụ thể thì chưa hẳn đã tạo nên hiệu quả. Trong khi đó, điều này còn khiến sinh viên dễ thiếu tập trung khi nghe trên lớp, giảng viên khó điều khiển giờ dạy theo định hướng của mình.

“Khi chưa thể có tài liệu nghe với tốc độ hoàn toàn phù hợp người học ở từng giai đoạn thì giải pháp nghe lại nhiều lần là khả thi và hiệu quả thiết thực” – TS. Nguyễn Phước Lộc nhận định. Tuy nhiên, về lâu dài, nhóm tác giả cho rằng cần biên soạn giáo trình phù hợp. Bởi hiện chưa có giáo trình nghe hiểu được biên soạn riêng cho sinh viên Việt Nam, hầu hết các trường ĐH hiện nay sử dụng tài liệu do nhà xuất bản Trung Quốc biên soạn.

Tăng cường trang thiết bị, cải thiện môi trường học tập để tạo thuận lợi cho sinh viên cũng được nhóm tác giả đề cập. Bởi trong quá trình giảng dạy, chất lượng băng đĩa lẫn những điều kiện cơ sở vật chất là một trong các yếu tố quyết định tính thành công hay thất bại của tiết dạy. Bởi sinh viên không thể nghe hiệu quả khi chất lượng âm thanh không tốt, môi trường xung quanh ồn ào. “Nếu chưa có điều kiện học trong phòng lab thì cũng cần chú ý vị trí của phòng học môn nghe sao cho đảm bảo yên tĩnh để sinh viên có thể tập trung học tập” – TS. Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thục Trân

Bình luận (0)