Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên “khổ” vì xe bus bỏ bến

Tạp Chí Giáo Dục

7h30 phút tại điểm đỗ xe bus Tổng công ty Sông Đà, trên đường Nguyễn Trãi, hàng trăm sinh viên vẫn còn đang nóng ruột đợi chờ xe bus. Đây là một điểm có khá nhiều sinh viên ở khu vực Phùng Khoang, Lương Thế Vinh, kí túc xá Mễ Trì, Triều Khúc đợi đón xe bus đi học. Nhưng ngày nào cũng vậy, hiện tượng bỏ bến vẫn diễn ra thường xuyên.

Xe bus các tuyến 02, 19, 21, 32, 39… đi qua nhiều trường đại học, có số lượng sinh viên lớn. Số lượt hành khách trên các xe bus này nhất là vào giờ cao điểm như buổi sáng và tan tầm luôn trong tình trạng quá tải. Tại điểm chờ xe bus trên đường các tuyến này cũng chính là điểm mà xe hay bỏ bến, nhiều lúc cả 3 xe liên tiếp đều bỏ bến. Tình trạng trên cũng thường xuyên xảy ra với nhiều tuyến khác.

Nguyễn Hồng Hà (SV ĐH Bách Khoa) bức xúc: “Ngày nào cũng thế, chỉ cần ra muộn một chút là chen không nổi lên xe bus. Mình đi tuyến 21, xe này lúc nào cũng đông nghịt. Có lần chạy hết hơi nhưng xe không đỗ lại tại điểm này, đành phải đi học muộn”.

Bích Thủy (ĐH Văn hóa) cũng đã từng vào hoàn cảnh tương tự: “Nếu ngủ dậy muộn thì nghỉ hẳn 3 tiết đầu, đằng nào cũng vậy bị trễ giờ không thể cứu vớt tình hình. Mình đã mấy lần bị điểm danh vì cái tội đi học muộn”. 

Mệt mỏi chờ xe bus giờ cao điểm (ảnh: DK)Lưu Thị Nga (khoa Tiếng Anh, ĐH Mở HN) cho biết: “Trường mình ở trên đường Trường Chinh, mà con đường này thì từ trước tới nay lúc nào cũng tắc vào giờ cao điểm. Khổ nhất là sáng nào đi muộn một tí, tắc đường xe bus không đi qua đường Trường Chinh, thế là mình đành phải đi bộ hoặc đi xe ôm tới trường. Hôm nọ đi học về, đứng chờ ở điểm đỗ hơn tiếng đồng hồ vẫn không có xe nào đi qua. Thì ra tại tắc đường ở đầu Ngã Tư Sở nên các xe qua đường này đều đi đường khác. Lúc đó, đứng chờ cũng mệt mà muốn đi xe khác phải đi bộ ra tận đường Giải Phóng”.

Đi học đã vất vả, đến lúc về cũng bị “hành”, Hồng Hạnh (SV Học viện Ngân hàng) kể: “Trường mình ở phố Chùa Bộc, tắc đường kinh khủng. Bốn năm xe bus đi qua nhưng đều không dừng lại. Thế là đành chờ hết giờ cao điểm mới về. Từ nhà tới trường hai ba tiếng ngồi trên xe bus là chuyện thường ở huyện”.

Những phiền toái

Muộn học thường xuyên xảy ra, không đủ điều kiện được thi là những phiền toái do xe không bắt kịp xe bus. Quang Anh (ĐH Bách Khoa) không được thi hai môn do đi học muộn quá nhiều. Nga (ĐH Mở HN) đã từng phải nhiều lần ngậm ngùi bỏ tiền đi xe ôm đến trường vì không có đủ kiên nhẫn để đợi xe bus.

Với những bạn chọn đi liên tuyến và có nhiều tuyến xe đi qua trường thì còn đỡ, với những bạn đi một tuyến hoặc có duy nhất một tuyến xa qua trường thì rất phiền phức. Hoàng Tùng (ĐH Công đoàn), sau nhiều lần đến muộn, khiến cho quản lý ở chỗ làm thêm của Tùng phàn nàn, hậu quả là bị thôi việc cũng chỉ vì nhỡ xe bus…

Tắc đường, xe máy xe đạp leo lên cả vỉa hè, làn đường dành cho xe bus đi. Chính vì thế rất nguy hiểm đối với người chờ xe bus. Tháng trước, Nguyễn Thu Lan, (SV ĐH Thuỷ Lợi) chạy lên xe bus đúng lúc có xe máy đi qua, đã bị tai nạn.

Những kế sách

Xe máy lấn đường xe bus gây nguy hiểm cho sinh viên.Nhà ở tận Hà Đông, rút kinh nghiệm nhiều lần bị bỏ bến, Hồng Ngân (CĐ mẫu giáo trung ương) phải dậy đi học từ 5h30 sáng. “Để đến được trường phải bắt tuyến xe duy nhất 39, mà không lúc nào tuyến xe này vắng khách, đợi và chen lấn xô đẩy là thường. Muốn được một chỗ ngồi thì phải đi từ sớm. Khổ nhất là lúc đi muộn, không thể chen nổi mà lên xe bus”.

Còn Nhật (ĐH Kiến Trúc) đành chuyển nhà về gần trường đi xe đạp cho tiện. Nhật tự hào: “Thôi đi con ngựa sắt này cho yên tâm, linh động khỏi phải đợi chờ chen chúc nhau. Được cái là mình thuê nhà gần nên cũng không mất thời gian chứ nhà ở xa thì vẫn phải cố mà chen chân lên xe bus thôi”.

Nhà ở gần Bách hóa Thanh Xuân để bắt xe đến trường ĐH Kinh tế quốc dân, Ngân Lành ngày nào cũng phải đi ngược lại xuống bến xe Hà Đông để lên xe từ đầu bến: “Biết là mất thời gian thật nhưng được cái ngay đầu bến mình ung dung có chỗ ngồi, mà không phải lo bỏ bến. Đứng chờ ở gần nhà mình, được lên đúng xe là đã quá khó rồi chứ làm sao dám mơ có một chiếc ghế trống mà ngồi”. 

Duy Khánh (dantri.com.vn)

 

Bình luận (0)