Chương trình khởi nghiệp phục vụ phát triển kinh tế cộng đồng vừa được Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đăng cai tổ chức tại Tiền Giang. Đây là chương trình được tổ chức thường niên bởi các thành viên của Hội đồng Mạng lưới học thuật Đông Nam Á, một số trường ĐH ở Thụy Sĩ…
SV các nước làm việc nhóm về những dự án khởi nghiệp tại Tiền Giang vừa qua |
Năm nay có 53 sinh viên (SV) tham gia chương trình, thực hiện các dự án khởi nghiệp, trao đổi văn hóa, làm việc chung thông qua các hoạt động hội thảo và tập huấn (gồm: 22 SV Switzerland, 4 SV Philippines, 2 SV Malaysia, 3 SV Indonesia, 7 SV Thái Lan và 15 SV Việt Nam). Theo đó, các em được chia thành 10 nhóm thực hiện các dự án tại địa phương. Các SV tham gia chương trình đều từ năm thứ 3 trở lên, được tuyển chọn kỹ, có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, cụ thể là nghe – nói và viết báo cáo bằng tiếng Anh; có điểm trung bình chung học kỳ gần nhất từ 7 trở lên; năng động, yêu thích công tác xã hội, quan tâm tới các hoạt động có liên quan đến doanh nghiệp xã hội và hộ nghèo.
Đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết các dự án của SV tập trung vào việc sản xuất rau sạch, trồng thanh long, trồng thơm, làm mứt thơm và du lịch sinh thái. Trong đó, dự án sản xuất mức thơm của SV được đánh giá cao nhờ tính cụ thể, khả thi. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái cũng được địa phương quan tâm nhiều do địa phương đang có dự án phát triển mảng này.
Bên cạnh các hoạt động chính, các SV tham gia chương trình còn thăm một số người dân nghèo; tặng quà, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, giao lưu văn nghệ với địa phương; trải nghiệm văn hóa khi tham quan một phần khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Tháp Mười ở Tiền Giang… |
Cũng theo đại diện nhà trường, sau chương trình, Khoa Kinh tế – quốc tế của trường sẽ tiếp tục dịch các kế hoạch kinh doanh, các góp ý của SV chuyển tải đến địa phương; kết nối SV với các hộ làm mứt để giới thiệu sản phẩm. Sau đó sẽ kết nối với ngân hàng hoặc các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sản phẩm mứt, về lâu dài kết nối giữa khoa và địa phương để nghiên cứu – ứng dụng cho các mô hình du lịch, mô hình trồng khóm, mô hình rau sạch và mô hình thanh long. Còn về phía SV, thông qua chương trình đã được trang bị kiến thức về các phương pháp và kỹ năng kinh doanh vào khu vực nông thôn; học được cách làm việc hiệu quả thông qua làm việc với người dân địa phương để tạo ra các giải pháp sáng tạo, dựa trên nguồn lực, tiềm năng địa phương.
Vì các nghiên cứu phải hướng tới cộng đồng, do đó các dự án nhóm SV đưa ra phải có tính khả thi phục vụ những người dân địa phương tại các quốc gia có tham gia chương trình, qua đó các em được tạo lập nhận thức về hoạt động đào tạo gắn liền với lợi ích của cộng đồng, về phương pháp liên kết xã hội để hiểu được văn hóa, lối sống và cơ cấu tổ chức của địa phương.
Cụ thể, các em được rèn luyện kỹ năng tổ chức nghiên cứu một dự án/phương án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; kỹ năng giao tiếp, xử lý các vấn đề thực tiễn một cách thiết thực; tăng kỹ năng tiếng Anh, làm việc nhóm, trao đổi văn hóa với các SV quốc tế. Bổ sung những kiến thức ngành, xã hội nhằm nâng cao tính hiệu quả của các nghiên cứu trong tương lai.
Riêng SV thuộc Khoa Kinh tế – quốc tế, dự án (tùy chất lượng về tính khoa học và tùy nguyện vọng của các em) được khoa đánh giá để đề nghị nhà trường xem xét cho phép thay thế báo cáo thực tập và nâng thành khóa luận tốt nghiệp.
Mê Tâm
Bình luận (0)