Dương Thị Ngọc Hạnh đang thiết kế một sản phẩm mới
|
Trong khi hàng triệu người đang bị “cơn bão Facebook” làm mất ăn mất ngủ đến mức cảm thấy không thể sống nổi nếu một ngày không online thì có không ít bạn trẻ đã biết tận dụng những ưu thế của trang mạng xã hội này để làm bước đệm cho sự nghiệp của mình: Thiết kế, kinh doanh trên Facebook.
Thiết kế phải “độc”, lạ
Mới nhận bằng tốt nghiệp chưa đầy một năm nhưng Dương Thị Ngọc Hạnh, cựu sinh viên ngành thiết kế thời trang (Khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), đã “lận lưng” được kha khá kinh nghiệm từ việc tự thiết kế và kinh doanh sản phẩm thời trang trên Facebook. Khi còn là sinh viên năm 3, Ngọc Hạnh đã vận dụng những kiến thức được học trong ngành thời trang, kết hợp thêm việc sáng tạo, tìm hiểu xu hướng thời trang để cho ra những sản phẩm “chỉ mình mới có” và tung lên Facebook. Những sản phẩm này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, những khách hàng đầu tiên tìm đến mua và ngợi khen đã tạo niềm tin cho bạn tiếp tục thực hiện con đường tự thiết kế và kinh doanh. Các mẫu thiết kế của Ngọc Hạnh chủ yếu mang phong cách cổ điển – xu hướng đang được giới trẻ ưa chuộng – và tạo được sự khác biệt bằng cách phối màu cùng chất liệu vải. Qua hơn ba năm theo đuổi, bạn đã kịp mở thêm một trang Facebook chuyên thiết kế đồ trẻ em với những mẫu mã cực kỳ bắt mắt và phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ. Ngọc Hạnh cho biết, rất nhiều bạn bè cùng khoa cũng áp dụng hình thức kinh doanh này và có những bước khởi đầu nhất định. “Mình có người bạn học ngành tạo dáng công nghiệp chuyên thiết kế những sản phẩm handmade như khung hình, túi xách, con thú… bằng mica, gỗ được rất nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước đặt mua. Hầu hết các khoản chi tiêu mình đều tự xoay xở chứ không phải xin thêm tiền từ ba mẹ”, Ngọc Hạnh cho biết.
Có thể nói, hình thức tự kinh doanh trên Facebook đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi những tính năng ưu việt của nó. Chỉ cần đưa hình ảnh sản phẩm lên Facebook, đánh dấu tên một vài người bạn hoặc mời gọi người khác “like” trang của mình, hình ảnh sản phẩm sẽ hiển thị trên trang cá nhân của người khác và được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh với những sản phẩm mang tính đại trà được nhập từ nhiều nguồn hàng khác nhau từ Thái Lan, Hàn Quốc…, các sản phẩm tự thiết kế phải mang đặc tính khác biệt là “độc”, lạ với giá thành hợp túi tiền, hợp phong cách thời trang; và đặc biệt là số lượng “sản xuất” phải hạn chế để khách không lo tới vấn đề “đụng hàng” với người khác.
Tương tự, bạn Huỳnh Kim Chi, sinh viên năm 3 ngành bác sĩ đa khoa (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), cho biết dù trên thị trường có khá nhiều kiểu giày bắt mắt nhưng những mẫu giày do bạn thiết kế luôn nằm trong tình trạng… “cháy hàng”. Tuy chỉ học một khóa thiết kế ở Trường ĐH Kiến trúc nhưng với sự khéo léo cộng thêm ý tưởng “độc”, mặt hàng của Kim Chi hầu như không có đối thủ cạnh tranh. Cùng là chất liệu vải thổ cẩm nhưng mỗi mẫu thiết kế của cô bạn này lại không giống nhau nên khách hàng có thể tự tin về độ độc quyền với mỗi đôi giày mình lựa chọn. Và để đảm bảo giá thành không vượt quá 180.000 đồng/đôi, Kim Chi phải nhập vải thổ cẩm ở tận Sa Pa (Lào Cai), tìm địa chỉ sản xuất thân giày rồi tự cắt may, phối hợp các sản phẩm lại với nhau.
Nghề của người ít vốn
Ngoài tính ưu việt, một nguyên nhân nữa khiến nhiều bạn trẻ lựa chọn mạng xã hội là địa chỉ kinh doanh không tốn quá nhiều tiền. Để mở một cửa hàng kinh doanh, các bạn trẻ sẽ phải tính đến tiền thuê mặt bằng, nhân công, tiền thuế, thuê thợ may gia công (nếu bán với số lượng lớn). Đó là những khoản tiền khá lớn và không dễ kiếm đối với một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc mới tốt nghiệp. Trong khi đó, với hình thức kinh doanh qua mạng xã hội, người bán hàng không những không phải tính toán đến những khoản tiền đó mà còn được chủ động về mặt thời gian thiết kế, may đo và giao hàng. Cùng là một hình thức giải trí, nhưng thay vì chat chít vô bổ với bạn bè, các chủ shop online sẽ dành thời gian để còm-men trả lời khách hàng, thống nhất mẫu đặt hàng, thời gian giao hàng… Nhiều bạn trẻ còn coi đây là bước đệm để khởi đầu cho việc kinh doanh lâu dài, mở cửa hàng để khách hàng có địa chỉ tìm đến. Không chỉ thế, thiết kế và kinh doanh trên mạng xã hội cũng giúp các bạn trẻ rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng cần thiết. “Khi tự mình thiết kế và may đo, mình sẽ rút được nhiều kinh nghiệm hơn trong kỹ thuật may, tính chất của từng loại vải, cách lựa chọn và kết hợp các màu vải với nhau. Mình nghĩ điều này sẽ rất hữu ích với những ai muốn đi theo con đường thiết kế thời trang chuyên nghiệp”, Ngọc Hạnh cho biết.
Còn với Kim Chi, việc kinh doanh online còn giúp cho bạn rèn luyện tính kiên nhẫn, kỹ năng giao tiếp khéo léo. “Thỉnh thoảng, mình cũng gặp phải một số vấn đề từ khách hàng khó tính như hỏi nhiều lần, đổi mẫu thiết kế, thậm chí còn phải “ôm” hàng do khách đặt nhưng giờ chót lại không nhận. Chính những lúc như vậy đã tập cho mình sự kiên nhẫn, khéo léo khi giao tiếp với bệnh nhân trong quá trình thực tập tại các bệnh viện vì bệnh nhân thường có tâm lý ngại tiếp xúc, kê khai triệu chứng bệnh với sinh viên thực tập”, Kim Chi chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
Cùng là một hình thức giải trí, nhưng thay vì chat chít vô bổ với bạn bè, các chủ shop online sẽ dành thời gian để “còm-men” trả lời khách hàng, thống nhất mẫu đặt hàng, thời gian giao hàng… Nhiều bạn trẻ còn coi đây là bước đệm để khởi đầu cho việc kinh doanh lâu dài. |
Bình luận (0)