Đây là những đề án được các nhà đầu tư, doanh nhân đặc biệt quan tâm hỗ trợ vốn.
Hai tác giả Đinh Phương Linh và Phan Thị Kiều Trang đang thuyết trình về đề án Trà ngải cứu Chưpa |
Thế mạnh của những đề án này là các yếu tố an toàn sức khỏe, hướng đến môi trường sống trong lành, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nguồn nguyên liệu bản địa, cơ hội phát triển mở rộng thị trường và đặc biệt là khả năng thu hồi vốn nhanh.
Không bỏ phí nguyên liệu bản địa
Đây là mục tiêu của nhóm tác giả Đinh Phương Linh và Phan Thị Kiều Trang (SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) khi xây dựng đề án Trà ngải cứu Chưpa nhằm sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng từ cây ngải cứu. Ngoài sản phẩm trà, nhóm còn cho ra thị trường bột ngải cứu có tác dụng hỗ trợ chăm sóc sắc đẹp.
Tại buổi thuyết trình đề án, khi các chuyên gia đặt vấn đề cây ngải cứu có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, Phương Linh phản biện: “Chúng tôi xác định đây là thực phẩm chức năng nên có hướng dẫn sử dụng rõ ràng, dùng với liều lượng bao nhiêu và có lời khuyên cụ thể với người tiêu dùng. Trước mắt, sản phẩm phân phối qua kênh nhà thuốc, là bước để giới thiệu đến người tiêu dùng, đồng thời sẽ thông qua các kênh bán hàng như mạng xã hội, hội chợ và các điểm bán hàng lưu động”.
Điểm mạnh của đề án có thể cạnh tranh với nhiều sản phẩm trà túi lọc khác, theo nhóm tác giả là nguyên liệu tự trồng ở vùng Chưpa (Gia Lai). Quy trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến qua các bước kiểm soát gắt gao với mong muốn đem lại sản phẩm hỗ trợ tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng.
Đánh giá đề án, bà Lê Thị Thanh Lâm (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food) cho biết đây là đề án thú vị, dù không có kiến thức về hóa dược nhưng nhóm tác giả phân tích khá chuẩn về rủi ro, sản phẩm trong tương lai và có ý nghĩa xã hội…, đủ điều kiện để thuyết phục nhà đầu tư. Đây còn là cơ hội làm giàu từ tài nguyên bản địa, kết hợp xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu quý. “Muốn khởi nghiệp thật sự cần nghiên cứu kỹ hơn về đối thủ cạnh tranh cũng như quy trình kiểm định chất lượng đầu ra cho sản phẩm”, bà Lâm lưu ý. Đề án Trà ngải cứu Chưpa đã đoạt giải ba Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can năm 2017.
Cân bằng tinh thần cho người Việt
Tác giả Trần Thị Huế đang thuyết trình về đề án Vườn hoa thơm cỏ lạ |
Đề án Vườn hoa thơm cỏ lạ của tác giả Trần Thị Huế (SV Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) là đề án được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Và đề án trên đã xuất sắc đoạt giải nhất Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can năm 2017. Tuy nhiên, ít ai biết tác giả đề án này lại đang theo học ngành công nghệ thông tin và kiến thức chuyên môn về sản phẩm chỉ được học… qua sách vở. Với quy trình chiết xuất tinh dầu từ sả, tác giả mong muốn có được một sản phẩm tốt nhất cho người dân. “Tôi đến với đề án bằng sứ mệnh chăm sóc sức khỏe và cân bằng tinh thần cho người Việt. Bên cạnh đó, tiêu chí sản phẩm hướng đến là hỗ trợ tiêu thụ nguyên liệu cho bà con nông dân”, Huế chia sẻ.
Được biết, tác giả đề án đã liên kết với bà con nông dân Hải Dương mở rộng vùng nguyên liệu, hỗ trợ giống an toàn và cam kết đầu ra để đảm bảo đủ sản lượng phục vụ chiết xuất. “Đề án Vườn hoa thơm cỏ lạ đã có đơn hàng sỉ với số lượng lớn, đòi hỏi phải mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất cũng như đầu tư công nghệ chiết xuất hiện đại. Chúng tôi đã xây dựng được hệ thống sản xuất và phân phối chuyên nghiệp, hy vọng thời gian tới sẽ mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực châu Á, châu Âu…”, Huế tự tin nói.
Khát vọng làm giàu từ sen
Ngô Ngọc Anh nhận giải nhì với đề án Nhang sạch từ sen |
Mong muốn đóng góp cho thị trường Việt một sản phẩm sạch từ thiên nhiên, Ngô Ngọc Anh (SV Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhiều năm ấp ủ đề án Nhang sạch từ sen. Với lợi thế về vùng nguyên liệu sen quê hương Đồng Tháp, ngoài giá trị kinh tế, đem lại sự an toàn cho người dùng, Ngọc Anh còn mong muốn giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
“Nhang sen không mùi, ít khói, không cay mắt… đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là nơi thờ tự. Kết quả điều tra cho thấy, 94% gia đình có sử dụng nhang và mỗi gia đình đốt 5, 3 cây nhang/ ngày. Với giá bán nhang sạch làm từ sen 24.000 đồng/bó 200 cây, đây là một thị trường đầy tiềm năng; tuy nhiên, hiện nay nhang độc hại làm từ hương liệu không rõ nguồn gốc chiếm đại đa số. Thời gian tới tôi sẽ phối hợp với Trung tâm thí nghiệm thực hành (Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) kiểm tra nguyên liệu để cho ra thị trường một sản phẩm hoàn toàn sạch”, Ngọc Anh cho biết.
Doanh nhân Tiêu Yến Trinh cho rằng đây là sản phẩm rất ý nghĩa, có tiêu chí riêng, hướng đến môi trường sống an toàn. Đồng thời qua đó truyền tinh thần yêu quê hương, chia sẻ kiến thức chuyên môn đến người lao động địa phương. Với số vốn khởi nghiệp 600 triệu đồng và thời gian hoàn vốn 1 năm 9 tháng thì đề án hoàn toàn khả thi.
GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định: “Nhang sạch từ sen là một đề án hoàn toàn có thể gọi vốn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiểm họa toàn cầu, sử dụng nhang sạch ít khói sẽ góp phần giảm thiểu khí nhà kính. Một lợi thế nữa để đầu tư và phát triển sản phẩm là hiện nay, bản thân người tiêu dùng muốn dùng nhang sạch nhưng không có sản phẩm nào an toàn”.
Đề án Nhang sạch từ sen đã đoạt giải nhì Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can năm 2017.
T.An
Bình luận (0)