Từ nay đến ngày 20-10, cuộc thi “Người nhân văn khởi nghiệp” do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức với giải đặc biệt trị giá lên đến 50 triệu đồng sẽ nhận đăng ký dự thi của các cá nhân, nhóm tham gia.
Các sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trao đổi thông tin về cuộc thi
Theo đó, hình thức cá nhân chỉ áp dụng đăng ký đối với sinh viên chính quy, học viên cao học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Riêng hình thức nhóm sẽ không giới hạn số lượng thành viên đăng ký, trong đó có ít nhất 1 thành viên là sinh viên chính quy/học viên cao học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
3 vòng thi để “tung hoành” ý tưởng
Cuộc thi “Người nhân văn khởi nghiệp” trải qua 3 vòng, ở vòng hồ sơ có tên “Sáng tạo”, cá nhân/nhóm thí sinh đăng ký dự thi tại đường dẫn: www.bit.ly/NNVKN. Sau khi đăng ký, cá nhân/nhóm thí sinh hoàn thành hồ sơ dự thi theo mẫu và gửi về ban tổ chức bằng cả 2 hình thức, với hồ sơ trực tuyến thí sinh scan gửi về email: khoinghiep@hcmussh.edu.vn và với hồ sơ giấy (bắt buộc) gồm tất cả giấy tờ gửi về một trong hai địa điểm là Văn phòng Ban liên lạc cựu sinh viên (phòng B011, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM) hoặc Văn phòng Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên (phòng 206, Nhà điều hành, khu phố 6, phường Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Hạn chót nhận hồ sơ là 17 giờ ngày 16-9. Từ ngày 17-9 đến ngày 21-9, ban giám khảo chấm và công bố kết quả chọn 20 ý tưởng vào vòng bán kết.
Vòng bán kết có tên “Khẳng định” sẽ diễn ra ngày 5-10, ý tưởng dự thi vòng này sẽ được ban tổ chức kết nối với một cố vấn để hỗ trợ, tư vấn hoàn thiện. Ý tưởng có thể được bổ sung để hoàn chỉnh chứ không thay đổi hoàn toàn tên gọi, đối tượng thụ hưởng và sử dụng dịch vụ, lĩnh vực, việc tổ chức thực hiện. Ngày 24-9, ban tổ chức tập huấn cho 20 ý tưởng thi vòng bán kết. Trong vòng này, các cá nhân/nhóm thí sinh sẽ giới thiệu về ý tưởng dự thi, hình thức trình bày (các cá nhân/nhóm thí sinh có thể lựa chọn hình thức trình bày bằng mô hình sản phẩm, slide trình chiếu hoặc hoặc vẽ sơ đồ…); trả lời ý kiến phản biện ý tưởng trước ban giám khảo. Thời gian dành cho mỗi ý tưởng tối đa 30 phút (15 phút thuyết trình và 15 phút phản biện). Kết thúc vòng bán kết, 10 ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết.
Vòng chung kết có tên “Tỏa sáng” diễn ra ngày 20-10. Trong thời gian chuẩn bị, các cá nhân/nhóm thí sinh có thể tiếp tục hoàn chỉnh ý tưởng. Theo đó, các cá nhân/nhóm thí sinh sẽ trả lời ý kiến phản biện ý tưởng của ban giám khảo và của 1 nhóm/cá nhân khác. Thời gian dành cho mỗi ý tưởng tối đa 30 phút (15 phút thuyết trình và 15 phút phản biện). Vòng chung kết, ban giám khảo sẽ chọn các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích; riêng giải đặc biệt sẽ do các nhà đầu tư quyết định.
Mở rộng cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên
ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết các tiêu chí mà cuộc thi tập trung hướng đến, gồm: Tính sáng tạo, tính mới mẻ và đề cao trách nhiệm xã hội; tính khả thi để áp dụng vào thực tế; sản phẩm giải quyết được sự thiếu hụt các dịch vụ trong xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Trong đó, những lĩnh vực ưu tiên là du lịch, truyền thông, giáo dục, nông nghiệp, dịch vụ phục vụ con người, bán lẻ…
Cũng theo ông Nam, cuộc thi nhằm thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, của ĐH Quốc gia TP.HCM trong việc tạo môi trường phát triển khả năng khởi nghiệp của sinh viên; tổ chức hoạt động để kết hợp kiến thức ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các lĩnh vực khác trong việc tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp; tạo cơ hội cho sinh viên, học viên đưa ý tưởng vào thực tế; đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, xã hội. Đồng thời, đây cũng là giải pháp triển khai giá trị cốt lõi “Sáng tạo – dẫn dắt – trách nhiệm” của trường.
Hồ sơ dự thi bao gồm: Phiếu đăng ký dự thi; Bản cam kết (của cá nhân hoặc đại diện nhóm); Bản sao không cần công chứng Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của tất cả thành viên trong nhóm; Bản sao không cần công chứng thẻ sinh viên/thẻ học viên của tất cả thành viên trong nhóm. Trường hợp không có thẻ có thể sử dụng giấy chứng nhận có xác nhận của nhà trường thay thế. Các giấy tờ khác cung cấp thông tin về ý tưởng (nếu có). Báo Giáo dục TP.HCM là đơn vị bảo trợ thông tin của cuộc thi này. |
Cuộc thi sẽ có 1 giải đặc biệt trị giá 50 triệu đồng (kèm giấy khen của hiệu trưởng nhà trường); 1 giải nhất trị giá 30 triệu đồng (kèm giấy khen của hiệu trưởng); 1 giải nhì trị giá 20 triệu đồng (kèm giấy khen của hiệu trưởng); 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng (kèm giấy khen của hiệu trưởng) và giải khuyến khích trị giá 5 triệu đồng (kèm giấy khen của hiệu trưởng). Ngoài ra, một trong số 20 ý tưởng vào vòng bán kết sẽ có cơ hội được chọn tham gia kỳ thi khởi nghiệp cấp quốc gia và đội hạng nhất của kỳ thi này sẽ có cơ hội tham gia khóa học tập ngắn hạn tại Tây Ban Nha. 20 đội vào vòng chung kết sẽ được chọn tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp Active Citizen do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hội đồng Anh và Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) phối hợp tổ chức vào tháng 10-2019.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)