Đã có 540 sinh viên ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM bị dính dịch tiết của kiến ba khoang phải đến trạm y tế ký túc xá điều trị trong tháng 9.
Sinh viên Nguyễn Thị Chiều Hoang (trái) đến trạm y tế ký túc xá khám vết thương do kiến ba khoang gây ra – Ảnh: Th.Hoàng |
Đó là chưa kể nhiều trường hợp khác tự đi mua thuốc điều trị. Nhiều sinh viên ở ký túc xá hết sức lo lắng.
Phòng 8 người, 7 người bị chích
Bạn Lê Hoàng Nam (sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế – luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) đang ở khu B than: “Không hiểu sao năm nay kiến nhiều bất thường. Dù đã quen và chuẩn bị sẵn phương án phòng tránh nhưng phòng mình có tám bạn thì đến sáu người bị kiến ba khoang cắn. Mình bị cắn hơn một tuần, ban đầu chỉ là ngứa ở cổ, có mụn nước nhưng càng gãi thì vết cắn càng lan rộng gây đau rát, ngứa ngáy rất khó chịu”.
Cũng theo Nam, hầu như các tòa nhà ở ký túc xá khu B đều có kiến ba khoang, có nhiều phòng kiến xuất hiện dày đặc, đặc biệt là vào buổi tối khi các bóng đèn được bật sáng.
Khổ nhất là các sinh viên nữ. Bạn Nguyễn Thị Chiều Hoang (ở khu A mở rộng) cho biết: “Phòng có tám người thì bảy người bị chích. Vết thương của mình khá lớn”.
Nguyễn Thị Linh Giang sống ở nhà BA5 kể: “Mình bị vết cắn ở ngay bờ vai, mỗi lần nhờ bạn bôi thuốc là một cực hình. Giờ vết thương lan rộng, rất đau và rát”. Bạn Trịnh Thị Thu Thảo (sinh viên ở ký túc xá khu B) kể: “Mặc dù phòng ở khá sạch sẽ, đóng cửa từ sớm, thậm chí lúc ngủ cũng buông màn cẩn thận nhưng mình vẫn không tránh được”.
Nhiều sinh viên khác cũng bị kiến cắn ở tay, chân, vai, cổ và cả mí mắt. Nhiều sinh viên may mắn lành sau một tuần, nhưng có bạn vết cắn nhiễm trùng, sưng mủ nước, ngứa và lan rộng thì rất lâu mới lành hẳn. Đặc biệt có bạn một lúc bị 2 – 3 vết cắn.
Bác sĩ ký túc xá ba ngày liền chưa về nhà
Bác sĩ Nguyễn Thị Trọng (trưởng trạm y tế ký túc xá ĐH Quốc gia) đã ba ngày liền chưa về nhà. Các nhân viên của trạm cũng được tăng cường tối đa. Ngoài điều trị cho các bạn trực tiếp đến phòng y tế, bác sĩ và các nhân viên y tế thay phiên nhau lên các phòng thăm hỏi động viên, xem vết thương. Ký túc xá cũng đã tăng cường các loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế để điều trị cho sinh viên.
Theo bác sĩ Trọng, kiến ba khoang phát triển mạnh vào mùa mưa không chỉ ở đây mà còn ở nhiều nơi tại TP.HCM như Q.2, Q.9. “Từ tháng 6 đến nay, trung tâm đã có ba đợt phun thuốc chống kiến ba khoang tại toàn bộ khuôn viên, tòa nhà, khu ký túc xá, đồng thời hướng dẫn cách phát hiện, phòng tránh, phát tờ rơi, chiếu phim…” – bác sĩ Trọng cho biết.
Bà Phùng Thị Hương Lan – phó giám đốc ký túc xá ĐH Quốc gia – cho biết ngày 29-9, ký túc xá đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức khảo sát các phòng ở tại ký túc xá và môi trường xung quanh tìm phương pháp nhanh nhất, tối ưu nhất nhằm hạn chế thấp nhất những tác hại do kiến ba khoang gây ra.
Bác sĩ Trọng cũng cho biết thêm: “Kiến ba khoang xuất hiện tại ký túc xá từ năm 2007, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để xử lý dứt điểm tình trạng này”.
Cách phòng tránh Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ cánh cứng, bụng có chứa chất pederin, độc tính gấp 12 – 15 lần rắn hổ. Vị trí hay gặp ở các vùng hở như cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân… Tính chất của tổn thương là những ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, chợt loét nông trên da, rát và ngứa âm ỉ không thành cơn, có thể gây viêm da, thối thịt giống như bị tạt axit. Nên đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau. Có thể bẫy kiến ba khoang bằng cách đặt một bóng đèn ở ngoài căn nhà, phía dưới có đặt chậu nước, kiến sẽ bị ánh sáng phản chiếu, thu hút đến và chết ở chậu nước. (Trích cẩm nang hướng dẫn của trạm y tế ký túc xá ĐH Quốc gia) |
Theo TTO
Bình luận (0)