Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sinh viên không “mặn” đọc sách

Tạp Chí Giáo Dục

Hai tuần nữa là đến đợt thi cuối kỳ. Hàng năm cứ đến thời điểm này, việc đọc sách của sinh viên lại lên cao trào, các thủ thư bận rộn suốt ngày, thư viện náo nhiệt như ngày hội, khác hẳn nhịp điệu buồn tẻ trong gần suốt học kỳ.
8 giờ sáng, tại thư viện một trường đại học công lập, không khí nhộn nhịp khác thường. Sinh viên xếp hàng dài trước bàn thủ thư, vẻ mặt nôn nóng, âu lo. Bên trong phòng đọc đông nghẹt sinh viên, nhiều mái đầu chụm vào những chiếc laptop, sôi nổi thảo luận, thỉnh thoảng liếc nhìn thủ thư để điều chỉnh âm giọng của mình.
Khi được hỏi, bác thủ thư già trả lời giọng hài hước nhưng đượm buồn: “Gần thi là vậy, chuyện thường ngày ở huyện”…
Đọc sách chỉ để đối phó với thi cử
Kết quả nghiên cứu xã hội học gần đây với 200 sinh viên tại một trường đại học công lập cho thấy sinh viên chỉ dành khoảng 1 giờ 47 phút để tự học ở nhà. Trong đó, họ chỉ đọc khoảng 35 trang sách/ngày. Con số quá khiêm tốn này còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của học chế tín chỉ (được áp dụng ở hầu hết các trường đại học hiện nay) vốn tăng thời gian thực hành, tự học ngang bằng hoặc gấp đôi thời gian học lý thuyết trên lớp.
Điều đáng nói hơn là thái độ đối phó của sinh viên đối với vấn đề đọc sách. Cách ứng xử của hầu hết sinh viên là trong suốt quá trình học thì “làng nhàng”, đến lúc ngày thi đã cận kề thì đọc ngày đọc đêm, đọc ngốn ngấu cốt để thi cho qua, nhất là các môn đại cương. Có đến gần 50% sinh viên thừa nhận đọc sách để đối phó với thi cử; chỉ có 13% đọc sách vì ham mê tri thức khoa học. Tính thụ động của sinh viên còn thể hiện ở chỗ họ chỉ tìm đọc những quyển sách “sẵn có”, dễ tìm như giáo trình internet mà không chú tâm tìm đến các nguồn khác có tính thực hành, ứng dụng và chuyên sâu như luận văn, luận án, tạp chí khoa học.
80% sinh viên không biết cách đọc sách
Điều đáng ngạc nhiên nhất là có đến 80% sinh viên được hỏi không biết phương pháp chọn sách và đọc sách. Họ đọc sách bằng cảm tính, kinh nghiệm, dẫn đến thường rất lúng túng không biết lựa quyển sách nào tốt nhất khi có quá nhiều sách cùng chủ đề; khi đọc vào lại thấy đuối sức, chán nản vì không hiểu được nội dung. Hậu quả là việc đọc sách từ chỗ là một nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động tự học, là niềm vui và là cửa ngõ dẫn đến việc nâng cao tri thức, bồi dưỡng niềm say mê học thuật đã trở thành một thứ nghĩa vụ theo kiểu “trả bài”, trở thành gánh nặng và nỗi ám ảnh trong suốt quãng đời sinh viên.
Trước khi đòi hỏi sinh viên phải siêng đọc sách và hứng thú với việc đọc sách, điều quan trọng là phải tạo điều kiện cho họ có thể làm điều đó. Một hệ thống thư viện đầy đủ các đầu sách phục vụ việc học và nghiên cứu khoa học với giờ giấc phù hợp (mở cửa buổi tối, ngày nghỉ) là điều kiện cần. Ngoài ra, các trường cần cung cấp kỹ năng đọc sách cho sinh viên.
Việc hội nhập giáo dục phải đi từ gốc và từ những chuyện nhỏ nhưng quan trọng như thế, bởi vì không thể áp dụng bất cứ chương trình giáo dục đại học hiện đại nào khi sinh viên không biết những kỹ năng cơ bản (trong đó có kỹ năng đọc sách).
ThS. Hà Trọng Nghĩa
(Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)