Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên kiến tập theo cách mới

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ thực tập ở nước ngoài, nhiều sinh viên năm hai, năm ba năng động hiện đang tham gia vào những chương trình kiến tập ở nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Dưới đây là câu chuyện của những sinh viên năm ba khoa Thông tin đối ngoại (Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) sau hơn 1 tuần kiến tập tại Thái Lan và Lào.

Lạ lẫm và háo hức khám phá

Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn – Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, mục đích chính của hoạt động bổ ích này là tạo điệu kiện cho các sinh viên tìm hiểu trực tiếp, nghiên cứu về các cơ sở báo chí nước ngoài, được tiếp cận với cộng đồng người Việt Nam tại Lào, Thái và được trải nghiệm văn hóa, cuộc sống ở đó… Bởi đó là những kiến thức cần thiết đối với sinh viên thông tin đối ngoại am hiểu nền văn hóa của các nước.

Trương Diệp – Lớp trưởng Lớp Thông tin đối ngoại K29 hào hứng kể về ấn tượng những ngày kiến tập ở xứ triệu voi và đất nước phật giáo: “Con người Lào và Thái Lan có đặc điểm rất dễ ấn tượng và gây thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những ấn tượng ấy được biểu hiện trên từng gương mặt, nụ cười, giọng nói, cách đi lại… Đến Lào tụi mình có cảm giác như đang được sống ở Việt Nam vậy, nhưng vẫn không khỏi lạ lẫm và háo hức khám phá”.
Đến Thái Lan, các bạn sinh viên được đi thăm khu di tích bản Nong – ồn, nơi chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và hoạt động cách mạng trong những năm 1928 – 1929 trên đất Thái Lan. Bên cạnh đó, đoàn thực tập còn được đi thăm một vài cảnh đẹp của đất nước Lào như: Chùa Sisaket – nơi lưu giữ hàng vạn bức tượng Phật lớn nhỏ khác nhau, đền Hoprakeo, tượng đài Patuxay, Thạt Luồng…
Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Hoàng Thảo (Lớp thông tin đối ngoại K29) chia sẻ: “Trong hơn một tuần kiến tập ở đây, mình đã được đến thăm quan và học việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Đài Truyền hình Quốc gia Lào, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào, Sở Ngoại vụ Lào, cơ quan báo Pa-xa-xôn Lào, Đài Phát thanh quốc gia Lào. Khi mình và các bạn được đến Đại sứ quán VN tại Lào, chúng mình được nắm bắt các con số cụ thể của số lượng người Việt Nam ở đây, được biết rõ và nhìn tận mắt cuộc sống của họ, thấy được tình cảm đoàn kết Việt – Lào thực sự là như thế nào – điều mà trước đây chúng mình chỉ được biết qua sách vở.”

Dù chỉ là đi kiến tập ở hai nước láng giềng với Việt Nam nhưng không phải là không có những khó khăn. Sinh viên trong một khoảng thời gian ngắn phải đảm bảo được sự lĩnh hội đầu đủ về kiến thức để viết báo cáo sau chuyến đi. Đặc biệt năm 2012 là năm có nhiều hoạt động kỉ niệm cho 50 năm quan hệ hữu nghị và 35 năm hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào nên chuyến đi này lại càng có ý nghĩa hơn.

Trong khi lâu nay, nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên báo chí khi đi kiến tập phải xoay như chong chóng để đáp ứng đủ chỉ tiêu trong thời gian đề ra thì các cô cậu sinh viên kiến tập ở Lào và Thái Lan lại muốn… kéo dài nhiệm vụ.

Ngô Liên Hương, một kiến tập sinh chia sẻ: “Đối với đợt kiến tập này, khoa Quan hệ quốc tế và các bạn sinh viên lớp mình đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng về cả mặt thời gian và nội dung làm việc do đó thời gian chỉ là 1 tuần. Thầy và trò cùng nhau tích góp được rất nhiều điều ý nghĩa phục vụ cho việc học tập cũng như trải nghiệm trong cuộc sống, khám phá được nhiều hơn. Hy vọng lần thực tập năm sau bọn mình cũng sẽ được xuất ngoại để mở mang kiến thức và thực tập tốt công việc mà bọn mình sẽ làm sau khi ra trường”.
Việc đưa sinh viên đi kiến tập, và thực tập ở nước ngoài được xem là một mô hình mới và được sinh viên đặc biệt yêu thích. Bạn có thể tìm kiếm cơ hội này trong chính khoa mình thậm chí ở các chương trình ngoại giao giữa Việt Nam và các nước bạn, hoặc ngay cả trên Internet.

Theo Hữu Phú
SVVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)