Những hoạt động gặp gỡ, giao lưu thiết thực như thế này sẽ giúp tăng cường gắn kết SV. Ảnh chụp một buổi sinh hoạt định hướng về tình bạn, tình yêu cho các bạn trẻ tại Nhà Văn hóa Phụ nữ mới đây |
Đi học xa nhà, cám dỗ luôn rình rập, các bạn sinh viên (SV) không thể sống “một mình”. Để thích ứng được với môi trường mới cùng những người “đồng hành” còn xa lạ, đòi hỏi bản thân SV phải nỗ lực hòa nhập, học hỏi.
Thế nhưng, hiện nay có tình trạng SV sống chung trong một tập thể lại xem nhau như người… xa lạ.
Tuy rằng khác lớp nhưng chung… một phòng
Quê ở tận Tây Nguyên nên T.B (SV năm 1 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) phải nội trú trong ký túc xá (KTX) của trường để tiện cho sinh hoạt, học tập. Thế nhưng cái cảm giác háo hức của những ngày đầu ở tập thể đã nhanh chóng tan biến, thay vào đó là nỗi thất vọng mỗi ngày một lớn trong lòng cậu SV lần đầu tiên sống xa nhà. Phòng ở có 18 thành viên, đều xuất thân từ các tỉnh nhưng mỗi người một tính cách và không phải ai cũng tỏ ra thân thiện. T.B không khỏi ấm ức khi những lần đang ngồi học trên lớp trời đổ mưa mà bạn chung phòng lại chẳng buồn mang giúp quần áo phơi bên ngoài vào. Thậm chí, có hôm T.B bị cảm sốt, nhờ bạn đi mua cơm giùm cũng phải “tốn phí” cho bạn. Không chỉ riêng B. mà nhiều tân SV khi ở trọ chung đã không tránh khỏi những xích mích dẫn đến xô xát làm tan vỡ tình bạn, ảnh hưởng đến việc học tập. Thời điểm đầu năm học, chuyện SV nội trú gây gổ, đánh nhau xảy ra không ít ở nhiều KTX. Thậm chí nhiều SV muốn tránh vi phạm nội quy của KTX đã “dắt nhau” ra ngoài để “giải quyết” mâu thuẫn. Hệ quả là đến thời điểm này, khi năm học chưa kết thúc học kỳ đầu, có không ít SV bắt đầu chán và đi tìm “ngôi nhà hạnh phúc” mới.
Tuy nhiên, cuộc sống ngoại trú của SV không hoàn toàn “êm ả”. Thanh Hiếu (SV năm 2 Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) đã nhiều lần ngậm ngùi trước việc SV phòng trọ bên cạnh cứ thản nhiên giành phơi quần áo trên dây phơi của phòng mình, thậm chí còn gạt đồ của các bạn đang phơi xuống đất. Hiếu tâm sự: “Cùng là SV, lẽ ra các bạn nên đoàn kết, giúp đỡ nhau trong điều kiện sống xa nhà, chứ phần ai nấy sống như thế này thì lúc khó khăn biết tìm ai chia sẻ?”. Để tiết kiệm tiền, một nhóm 13 SV ngành tài chính ngân hàng (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cũng rủ nhau thuê phòng trọ ở cùng. Do các thành viên đều là dân tỉnh nên nếp sinh hoạt cũng khác nhau hoàn toàn. Chỉ riêng chuyện ăn uống đã… phát mệt, vì không hợp khẩu vị nên hầu như các bạn đều phải “ăn riêng”. Những sinh hoạt khác các bạn cũng phần ai nấy lo nên dù ở chung giữa các bạn vẫn rất thiếu sự gắn kết. Khi muốn tâm sự, chia sẻ, ai cũng khó mở lòng.
Học ăn, học nói, học… sống tập thể
Hiện nay các trường ĐH, CĐ tổ chức nhiều hoạt động Đoàn hội, công tác xã hội nhưng chỉ thu hút được một bộ phận SV nhỏ, chủ yếu là cán bộ Đoàn tham gia. Cho nên, dù hiệu quả của chương trình khá thiết thực (trang bị cho SV vốn sống, cách sinh hoạt đội nhóm, cách sống tập thể…) nhưng không phải SV nào cũng được tiếp cận. Hoạt động trang bị kỹ năng cho SV hiện đang được các trường ĐH, CĐ chú ý và tập trung đầu tư rầm rộ hơn, tuy nhiên cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chưa phủ hết đại đa số các bạn SV. Qua các khóa học đó, SV chủ yếu được trang bị kỹ năng làm việc nhóm, phương pháp học đại học hiệu quả, kỹ năng quản lý thời gian… song việc hướng dẫn cho tân SV cách sống như thế nào trong môi trường tập thể thì vẫn còn rất sơ sài, thiếu chiều sâu; trong khi điều đó với các em là hết sức cần thiết. Bản thân nhiều tân SV vẫn chưa thực sự chủ động học hỏi, cố gắng sửa chữa khuyết điểm để hoàn thiện mình và để sống thuận hòa với mọi người.
Anh Dương Trọng Phúc (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM) đánh giá: “Các tân SV, khi tiếp cận với môi trường sống mới, bạn bè mới… thường hay thiếu tự tin và chưa thể hiện được tinh thần tập thể. Nhiều em cứ giữ thói sinh hoạt như lúc còn ở với gia đình, đôi khi hơi tùy tiện trong việc tuân thủ nội quy, đảm bảo thời gian, giờ giấc cũng như một số quy định chung khác của khu nội – ngoại trú”. Do đó, theo anh Phúc, để thích ứng được với môi trường mới cùng những người “đồng hành” mới đòi hỏi chính các bạn SV phải nỗ lực hòa nhập, học hỏi. Các bạn SV cần chủ động tham gia các hoạt động xã hội, các khóa học kỹ năng… để giúp mình tăng thêm tự tin, hội nhập tốt. Cũng theo anh Dương Trọng Phúc, hiện trung tâm đang phối hợp các trường ĐH, CĐ tổ chức chương trình rèn luyện kỹ năng chủ đề “Hội nhập và thích nghi” cho HS, SV 80 trường trên địa bàn thành phố và ban đầu cũng đã tạo ra được những hiệu ứng nhất định.
Thực tế với không ít SV, cuộc sống trọ học xa nhà đã để lại những kỷ niệm sâu đậm và trở thành quãng đời đẹp không thể nào quên ngay cả khi họ đã rời khỏi giảng đường đại học.
Bài, ảnh: M.T
Bình luận (0)