Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Sinh viên làm lò sấy bánh giúp dân

Tạp Chí Giáo Dục

Chứng kiến nỗi vất vả của người dân làm bánh tráng trong những ngày mưa gió, một nhóm sinh viên đã thiết kế ra lò sấy bánh tận dụng nhiệt thải ra của lò. Sản phẩm trên đã đoạt giải ứng dụng trong cuộc thi Holicim Prize toàn quốc 2015.

Nguyễn Thị Hằng và Đào Thị Phượng đang chỉnh sửa lại máy sấy bánh tráng

Nhóm sinh viên trên gồm Nguyễn Hữu Quyền, Lê Văn Viễn, Đào Thị Phượng và Nguyễn Thị Hằng (Khoa Công nghệ nhiệt – điện lạnh Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng). Nói về ý tưởng, bạn Đào Thị Phượng cho biết: “Trong một lần về miền quê ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) thăm nhà bạn, chúng em thấy người dân làm nghề bánh tráng chạy muốn hụt hơi thu gom bánh đang phơi trong lúc trời đổ mưa rất vất vả, nhưng họ vẫn không gom bánh kịp cơn mưa nên đành nhìn nhiều mẻ bánh ướt sũng phải bỏ đi. Từ đó chúng em cùng nảy ra ý tưởng phải làm điều gì đó giúp người dân thay vì làm ăn thủ công nhờ vào thời tiết. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng ý tưởng “Tận dụng nhiệt thải từ lò bánh tráng để sấy bánh tráng cho các hộ làm nghề bánh tráng tại huyện Đại Lộc” được hình thành. Nguyên lí làm việc của hệ thống được thiết kế dựa vào sự tận dụng nhiệt trong quá trình đốt cháy để tráng bánh như trấu, than, mùn cưa… “Trong quá trình hấp bánh, người làm bánh sẽ sử dụng một lượng nhiệt từ khí đốt không hề nhỏ, nếu chỉ tráng bánh mà không tận dụng nguồn năng lượng nhiệt còn lại để sấy bánh thì sẽ lãng phí, và sẽ vất vả hơn khi phải đi phơi bánh. Từ đó, nhóm thiết kế lò hấp để tích lũy nhiệt trong giàn ống ở phần ngưng. Môi chất ở phần ngưng nhận nhiệt của khói thải đến sôi thành hơi rồi chuyển động lên phần ngưng của dàn ống nhiệt. Tại đây, không khí được cấp vào cửa sổ nhận nhiệt của môi chất thành không khí nóng rồi được quạt hút vào buồng sấy, trao đổi nhiệt ẩm với bánh rồi thoát ra ngoài. Hơi nước trong ống nhiệt sau khi nhả nhiệt cho không khí ngưng tụ thành chất lỏng rồi chuyển động về lại phần sôi, theo một chu trình liên tục”, bạn Nguyễn Thị Hằng cho biết.

Để sử dụng lò sấy bánh này, người làm bánh đầu tư khoảng 20 triệu đồng và khoảng 18 tháng sau sẽ hoàn vốn.

Bạn Nguyễn Hữu Quyền cho biết thêm: “Nhóm đã tính toán thiết kế đảm bảo bánh tráng sau khi sấy sẽ đạt được độ ẩm cần thiết cho việc bảo quản với năng suất 30kg bánh/ngày”.

Đặc biệt, sử dụng lò sấy như trên còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường từ khói các nhiên liệu trấu, mùn cưa, than, đảm bảo sức khỏe cho người làm nghề tráng bánh. Theo tính toán của nhóm, mỗi năm một lò bánh hộ gia đình tốn chưa tới 400 ngàn đồng cho việc sử dụng điện cho hệ thống sấy bánh, trong khi nếu sử dụng công lao động để phơi bánh thì mất khoảng 15 triệu đồng.

Để hoàn thành sản phẩm này, nhóm gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện khi công việc cơ khí cần sự mạnh mẽ thì nhóm có một nửa là nữ. Bạn Đào Thị Phượng bộc bạch: “Có được ý tưởng xong, nhóm bắt tay vào làm và chỉnh sửa từng chi tiết cụ thể, mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện. Khó nhất là khoản thực hành thí nghiệm, nhóm không có điều kiện trở lại Đại Lộc nhiều nên sau vài lần đi thì buộc phải nghĩ ra cách mua bánh mì ướt (loại bánh dùng cho mì Quảng) về thực hành sấy. Khâu hàn cơ khí cũng gặp khó vì chưa quen nên bạn nào cũng bị phồng rộp da tay hay đau mắt bởi các tia lửa điện chói trong quá trình hàn”.

Phượng cho biết thêm, hiện nhóm đang bắt tay thử nghiệm hệ thống tại các hộ dân làm nghề bánh tráng, sau khi thành công sẽ liên kết với UBND huyện Đại Lộc để đưa vào ứng dụng thực tiễn, đảm bảo giá thành rẻ để bà con sớm đưa vào sử dụng.

Nhận xét về sản phẩm này, ThS. Mã Phước Hoàng (giảng viên Khoa Công nghệ nhiệt – điện lạnh, người hướng dẫn cho nhóm) nói: “Hệ thống sấy bánh tráng của các em có tính ứng dụng thực tế cao, gần gũi và đem lại lợi ích cho bà con, giúp họ đỡ vất vả trong làm nghề bánh tráng truyền thống”.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)