Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên làm… nông dân

Tạp Chí Giáo Dục

Sau giờ học, sinh viên đến với nghề nông

Không giống như ở những nơi khác, để có được một công việc làm thêm đối với các sinh viên đang theo học tại Đà Lạt không phải là dễ. Phần lớn các bạn phải chọn cho mình những công việc chân lấm, tay bùn trên các vườn rau, vựa sú như những người nông dân chính hiệu.
Việc nhà nông
Đà Lạt được biết đến không chỉ là thành phố của du lịch mà còn là xứ sở của rau, hoa quả… Đây cũng chính là cơ hội để sinh viên phố núi tranh thủ tăng thêm thu nhập sau những giờ lên giảng đường bằng những công việc nhà nông tại các vựa rau, ki-ốt sú.
Thử dạo một vòng qua các con đường Thánh Mẫu, Phù Đổng Thiên Vương… nơi tập trung khá nhiều các doanh nghiệp rau quả đông lạnh, chúng tôi bắt gặp có rất nhiều sinh viên đang “cày sâu cuốc bẫm”, miệt mài với công việc ở cường độ cao. Công việc của các bạn là làm cỏ, gánh phân hay chặt sú, cân, quệt vôi, đóng bao rồi chuyển sú lên xe hàng cho chủ. Tại một ki-ốt sú trên đường Nguyên Tử Lực, bạn Nguyễn Thanh Thủy – quê ở Quảng Bình, sinh viên năm 3 Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Đà Lạt) cho biết: “Tùy theo công việc nặng nhẹ mà tụi em phân nhau ra làm, nhưng phải nhanh tay theo một dây chuyền khép kín vì nếu không hàng sẽ bị ứ đọng. Thu nhập trung bình cũng được 40.000 – 50.000 đồng/ngày”. Thủy cho biết thêm, công việc không đòi hỏi thời gian cố định và được trả lương ngay sau giờ làm nên các bạn thường tranh thủ làm thêm vào những ngày không có tiết học để trang trải cho cuộc sống và học tập. Bạn Tường Vi, năm 2 Khoa Quốc tế học vừa đóng hoa vào thùng tại một vườn hoa vừa nói: “Có bạn còn bao luôn tất cả các khâu từ làm cỏ, bón phân, tưới nước cho đến lúc thu hoạch hoa quả như một nhà nông chuyên nghiệp. Những bạn này phải có thâm niên gắn bó với nhà vườn trên 3 tháng mới được chủ vườn tin cậy”.
Còn đối với các chủ nhà vườn, việc thuê sinh viên làm đồng nghĩa với việc chỉ phải trả một khoản tiền công ít ỏi nhưng hiệu quả lại không kém. Chị Lan, chủ một vườn hoa trên đường Thánh Mẫu cho hay: “Hầu hết các sinh viên chịu “làm nông” đều có hoàn cảnh khó khăn nên rất chăm chỉ và chịu khó làm việc. Lại không có chuyện kì kèo lương bổng. Những ngày vào mùa mỗi cơ sở đều cần khoảng 100 lao động và 70 – 80% trong số đó là các em sinh viên đến xin làm”. Chị Lan cho biết thêm, có nhiều sinh viên đã 2, 3 năm không về thăm quê, tranh thủ 3 tháng hè tìm đến các nhà vườn để có tiền đóng học cho các khóa Anh văn, vi tính, thậm chí còn gửi tiền ngược về cho gia đình.
Nhọc nhằn khi khoác áo… nông dân
Tại Đà Lạt, việc mở rộng đào tạo đã thu hút đông đảo sinh viên từ mọi miền đất nước. Chỉ tính riêng Trường Đại học Đà Lạt và Đại học dân lập Yersin đã có hơn 20.000 sinh viên theo học. Ngoài học tập, những sinh viên này luôn mong muốn có được một việc làm thêm không những giúp chi tiêu cho cuộc sống mà còn có điều kiện cọ xát thực tế, học hỏi thêm kinh nghiệm. Thế nhưng, ngoại trừ công việc tại các cơ sở kinh doanh rau quả thì cơ hội làm thêm mang tính sinh viên như gia sư, tiếp thị hay tư vấn khách hàng dành cho các bạn là rất hạn chế. Mặc dù vậy, không phải sinh viên nào cũng khoác được chiếc áo nông dân sau những giờ lên lớp. Bạn Tường Vi tâm sự: “Ở quê em cũng làm nông nhưng việc làm lúa không vất vả như làm hoa, sú. Có hôm làm về mệt lăn ra ngủ chứ không ăn uống cũng không học hành gì được”. Vi cho biết, “Mỗi tháng gia đình chỉ gửi 700.000 đồng không đủ chi tiêu. Thu nhập 50.000 đồng/ngày từ công việc này với tụi em cũng lớn lắm. Chịu khó làm vài tháng tết mới có tiền mua vé xe về quê, đỡ đần phần nào cho bố mẹ”. Xòe bàn tay tấy đỏ vì lạnh và công việc nặng nhọc, Vi nói thêm: “Cần tiền lắm tụi em mới làm những việc này chứ làm một bữa, có khi phải nghỉ bù ba bữa mới đủ sức đi học lại”.
Không chỉ riêng Vi, rất nhiều sinh viên Đà Lạt thường tranh thủ những ngày nghỉ tìm đến các nhà vườn xin việc khi cần gấp một khoản tiền trang trải nhưng lại nhanh chóng “bỏ nghề” bởi không chịu được sự vất vả, nặng nhọc. Nguyễn Minh Thành, sinh viên năm nhất Khoa Công nghệ thông tin kể: “Thỉnh thoảng em cũng theo bạn đi làm sú nhưng mệt lắm. So với công việc phụ hồ, sơn nước thì làm sú cực hơn nhiều bởi phải luôn chân luôn tay, nhất là việc gánh sú từ vườn lên vựa rất nặng nhọc, ai chịu khó lắm thì mới làm được việc”. Vừa nói Thành vừa vén áo cho chúng tôi xem những lằn đỏ trên vai em mới thấu hiểu hơn sự bươn chải của các bạn trên bước đường trở thành những kỹ sư, cử nhân của mình.
Tuyết Dân
Việc mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp tại Đà Lạt ngày càng tăng đã thu hút một lực lượng đông đảo sinh viên đến với nghề nông sau giờ học.
 

Bình luận (0)