Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên làm thêm mùa Tết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tết Nguyên đán 2020 chỉ còn hơn 20 ngày nữa là tới, và những ngày đầu tháng chạp âm lịch của năm 2019 này có rất nhiều sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM đi xin việc làm thêm thời vụ để kiếm tiền tiêu Tết, mua vé tàu xe, mua sắm quần áo, mua quà Tết tặng cha mẹ người thân, rồi tiền lì xì cho mấy đứa em ở quê…

Nguyễn Văn Khánh, sinh viên Trường Đại học Bách khoa, đang đứng nướng thịt cho một quán cơm tấm, nơi mình làm thêm ở quận 2

Đông đúc sinh viên kiếm việc làm Tết

Tại một quán cà phê lớn trên đường Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức, TP.HCM, vào một tối chủ nhật cuối cùng của tháng 12-2019, khi tôi và một người bạn đang ngồi tại một chiếc bàn nhỏ ngay gần lối cửa vào thì thấy có hai cô gái trẻ trung xinh xắn dừng xe bước vào hỏi xem ở đây còn cần nhân viên phụ chạy bàn nữa hay không(?!) Thấy vậy, chị chủ quán bước ra bảo: “Còn các em ạ! Mà các em định làm theo giờ giấc thế nào, làm sáng, chiều, hay tối?”. Một trong hai cô gái đó lên tiếng giới thiệu, cả hai người đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngân hàng, và cô gái nói họ có thể làm được cả ca chiều và tối luôn, vì buổi sáng họ phải đi học. Sau một hồi chuyện trò, “thỏa thuận” giờ giấc, lương bổng giữa chị chủ quán và hai cô sinh viên tới xin việc làm, tôi thấy hai cô gái được nhận vào làm và sẽ đi làm ngay vào ngày hôm sau! Mặc dù vừa đã nhận hai cô sinh viên vào làm việc tại quán, và quán này đã mang cất tấm bảng có ghi nội dung “cần nhân viên nữ chạy bàn theo ca” đặt ở phía lề đường ngoài cổng, thế nhưng một lát sau tôi lại thấy xuất hiện một cô gái trẻ khác vào hỏi xin việc.

Tại một quán bán cơm bình dân trên đường Man Thiện, quận 9 – nơi mà tôi vẫn thường hay ăn trưa tại đó, mới hôm rồi trong vòng có hơn 20 phút ngồi tại quán tôi bắt gặp vài tốp sinh viên vào hỏi việc. Sở dĩ bà chủ quán cơm phải liên tục trả lời “đủ người rồi” đến… mỏi miệng, là vì mấy bữa trước, do có hai nhân viên nghỉ việc, bà dán tờ giấy với thông tin cần hai người phụ quán, nhưng khi đã tuyển đủ người rồi, do chưa bóc bỏ tờ giấy có nội dung tuyển người ấy nên nhiều sinh viên thấy vậy vẫn vào hỏi rất đông.

Cách đây 1 tuần, em một người bạn cùng quê với tôi, tên Lê Thị Hương, hiện đang học năm 3 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đang trọ tại quận Thủ Đức, từng nói cho tôi biết ý định đi làm thêm vào khoảng hơn chục ngày cận Tết, và nhờ tôi biết chỗ nào tuyển người giới thiệu hộ. May mắn, tôi quen biết một tiệm tạp hóa lớn đang cần người đóng gói giỏ bánh kẹo quà Tết, nên giới thiệu ngay, và em người bạn, cùng bạn của cô em này cũng tới tiệm tạp hóa này làm việc luôn, với mức lương công nhật theo thỏa thuận với mỗi ca nửa ngày là 120.000 đồng/người.

Danh mục công việc mà những sinh viên đi làm theo kiểu thời vụ mùa Tết thường rất đa dạng, từ chạy bàn tiệm cà phê, quán nhậu, quán ăn, cho tới phát tờ rơi quảng cáo, đóng gói giỏ quà Tết, phụ bán hàng, đưa hàng… Trần Việt Hùng, quê Khánh Hòa, sinh viên năm 4, Học viện Bưu chính Viễn thông là một ví dụ. Hùng thuê trọ kế bên nhà tôi, và tính tới nay cũng là 4 năm Hùng đi làm thêm chỉ vào mùa giáp Tết mà thôi.

“Cày” hết mình để lấy tiền tiêu Tết

Nguyễn Văn Khánh, quê Phú Yên, sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện đang thuê trọ tại quận 2, kể: “Mỗi Tết về quê em luôn tiêu tốn cỡ mấy triệu bạc, trong khi điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, và em cũng không muốn cha mẹ phải nặng gánh thêm, vì vậy mà mùa Tết năm nào cũng thế, ngoài công việc là học ra thì em luôn đi xin việc làm thêm. Năm nay em đi làm sớm hơn mọi năm khi cách Tết cả hơn tháng em đã xin việc rồi. Ngoài việc làm thuê khoảng 3 tiếng buổi trưa cho một quán cơm tấm với mức thù lao 20.000 đồng/giờ; buổi tối Khánh lại chạy qua một quán cà phê để chạy bàn thêm khoảng 4 tiếng nữa, với tiền lương 17.000 đồng/giờ!”.

Với những sinh viên chỉ đi làm thêm vào dịp cuối năm theo kiểu thời vụ, với mục đích kiếm tiền tiêu Tết, thì thường là ai ai cũng miệt mài để “cày”, bởi họ phải chạy đua với thời gian khi Tết đang tới ngày một gần. Nguyễn Thùy Liên, quê Quảng Nam, sinh viên năm 2 ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng là một trong số rất nhiều sinh viên chỉ chọn đi làm thêm vào dịp cận Tết, chia sẻ: “Ba mẹ em thường ngày không muốn em đi làm thêm, bởi ý của ba mẹ là sợ con cái khi đi làm thêm kiếm tiền sẽ chểnh mảng việc học hành, vì vậy dịp Tết muốn có tiền tiêu thêm, mua quà Tết, quần áo cho mình…, nên em lén cha mẹ để đi kiếm việc làm. Em chỉ đi làm khoảng vài chục hôm trước khi về nghỉ Tết, bởi khoảng thời gian này công việc cũng nhiều, mức thù lao cũng cao hơn những ngày bình thường, vì thế em cố gắng sắp xếp việc học – thi hợp lý để đi làm lấy tiền. Em sẽ làm thêm tới khoảng ngày 26, nghĩa là cách Tết 4 ngày mới lên xe đò về quê đón Tết cùng gia đình”.

Trần Tuấn Hạnh, sinh viên Cao đẳng Công thương đang phụ quán cơm món gần trường mình học

Hay trường hợp của Trần Tuấn Hạnh, quê Gia Lai, sinh viên năm nhất Trường CĐ Công thương, do cũng muốn có một chút tiền để tiêu pha dịp Tết mà không muốn làm phiền tới cha mẹ, bởi kinh tế gia đình Hạnh không lấy gì làm khá giả. Hạnh kể: “Em biết là làm thêm 2 ca trong ngày sẽ rất mệt, và thực tế đúng là vậy, nhưng cũng phải cố thôi vì muốn có tiền nên không thể khác được là phải bỏ sức ra. Thực ra thì Tết có nhiều tiền tiêu nhiều, ít tiêu ít cũng không sao, nhưng em muốn tự chủ cả tiền vé xe đò đi lại mà không muốn cha mẹ lo cho, vì thế em gắng cày…”.

Sinh viên đi kiếm việc làm thêm để lấy tiền chi tiêu trong cuộc sống, đỡ đần cha mẹ, cũng như trải nghiệm sự vất vả của việc kiếm tiền là một điều đáng quý, cần khuyến khích…

Bài, ảnh: Thạch Bích Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)