Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Sinh viên làm thêm ở “phố Tây”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngọc Ánh đang nói chuyện với khách nước ngoài tại nhà hàng

Sinh viên đến tìm việc ở “phố Tây” (Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu, TP Huế) mục đích đầu tiên là học hỏi và giao tiếp nhưng mức thu nhập tại đây cũng khá xứng đáng.

Bạn Đậu Anh Thơ cho biết, công việc chính của bạn là phụ việc bán hàng lưu niệm, rất nhẹ nhàng và đơn giản, dù làm bán thời gian nhưng mỗi tháng vẫn được trả lương gần một triệu đồng. “Vừa được trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ nhưng thu nhập cũng cao nên từ khi đi làm ở đây em chẳng cần phải xin tiền ở nhà nữa” – Thơ khoe.  
 
Vì là phố Tây nên tiêu chuẩn đầu tiên để sinh viên có được một chỗ làm là biết-giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Pháp.

Bạn Trần Thị Mai Hương, một sinh viên làm thêm ở đây cho biết, đã tìm mọi tài liệu để nâng cao trình độ Anh văn nhưng rất chậm tiến bộ, nên đã nghỉ đến việc vừa đi làm vừa đi học ở nhà hàng Ngọc Anh.

Mai nói – hôm đi xin việc, giới thiệu là sinh viên Ngoại ngữ chủ quán “ưa” liền và chỉ phỏng vấn vài câu rồi gật đầu nhận vào làm. Chỉ sau một tháng đi làm, giờ khả năng nói tiếng Anh của bạn lưu loát hẳn.

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào tìm được việc ở phố Tây cũng… giỏi ngoại ngữ. Có người biết ít, người biết “sơ sơ”, thậm chí có sinh viên… mù tịt tiếng Anh nhưng làm một thời gian cũng nói chuyện với khách Tây như thường.

Nhìn bạn Hoàng Thị Tuyết đon đả phục vụ, nói chuyện với khách nước ngoài “như gió”, khó ai có thể nghĩ lúc đi xin việc Tuyết hoàn toàn… “mù” tiếng Anh. “Mình tìm đến phố Tây tìm việc làm chỉ mục đích duy nhất là học tiếng Anh. Ban đầu chạy hết các quán nhưng đâu cũng nhận được cái lắc đầu vì cái khó chấp nhận là dốt tiếng Anh”.

Cuối cùng chủ quán nhà hàng mình đang làm cũng đồng ý nhận vào nhưng chỉ cho chạy bàn, còn giao tiếp để người khác làm. Dần dần được tiếp xúc với khách giúp mình biết nhiều thêm. Giờ thì gì chứ vốn “tiếng Anh nhà hàng” của mình khá lắm, mình cũng thấy tự tin, trưởng thành và dạn dĩ lên hẳn” – Tuyết vui vẻ nói.

Chị Thư, chủ nhà hàng Ngọc Anh cũng nói rằng, nhiều lúc thấy sinh viên đến xin việc nhiệt tình học hỏi quá nên chị nhận cả những người yếu ngoại ngữ vào làm, chỉ sau một thời gian làm, nhiều bạn đã tiến bộ rất nhanh, giao tiếp rất chuyên nghiệp.

Bạn Nguyễn Ngọc Ánh, SV năm 3, khoa tiếng Trung-Nhật, ĐH Ngoại ngữ Huế kể, học ngành tiếng Trung nhưng tiếng Anh cũng là một niềm đam mê của bạn nên bạn xin làm thêm ở phố Tây.

“Giao tiếp bên ngoài khác rất nhiều so với trên sách vở được học, hôm ấy khách yêu cầu món tương sốt, họ phiên âm tương sốt là “ket súp”, mình nghe đi nghe lại vẫn không hiểu gì, đến khi họ cầm chai tương ớt và chỉ vào mình mới “ngộ” ra “ket chup” là từ phổ biến thường dùng để gọi tương ớt, nhưng trên sách vở mình được học lại là “tomato souce”.

Ánh tiết lộ rằng, để có thể học tiếng Anh một cách sinh động hơn, mỗi lần nói chuyện với khách là Ánh lại bật điện thoại lên… ghi âm cuộc nói chuyện rồi tối về nghe lại để tập nói cho quen. Nhờ thế mà vốn nghe nói giao tiếp của bạn chỉ sau một thời gian ngắn đã “tiến bộ đến không ngờ”!

Theo Tân Kỳ / Sài Gòn Giải Phóng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)