Tòa soạnThư đi – tin lại

Sinh viên lãng phí thời gian

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều SV lãng phí thời gian vào những trò vô bổ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Bạn thường làm gì với quỹ thời gian dư quá nhiều? Bạn hãy tự nhận xét về việc sử dụng thời gian của mình, liệu đã từng có để thời gian trôi qua vô ích hay không?
Đó là những câu hỏi trong phiếu thăm dò ý kiến của nhóm SV Trường ĐH Mở TP.HCM để thực hiện thử nghiệm công trình nghiên cứu khoa học mang tên “SV sử dụng thời gian như thế nào?”.
75% lãng phí thời gian
“Sau những giờ học lên lớp, vì thời gian còn lại rảnh rỗi quá nhiều nên thường online trên Internet nghe nhạc, xem phim hay chơi những trò chơi mini”, “Là sinh viên năm nhất học chỉ vài môn đại cương, nên ít tốn thời gian học lắm, chỉ biết ngủ cho… qua ngày qua tháng”… là phần lớn những câu trả lời mà nhóm SV thu thập được. Kết quả, 75% các bạn trẻ đã lãng phí thời gian, đã để cho thời gian trôi qua một cách vô ích vào những trò vô bổ.
Để xác thực hơn, chúng tôi đã thử “phỏng vấn nhanh” nhiều bạn trẻ, là những SV của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM. Kết quả tương tự, phần đông ý kiến xác nhận rằng, bấy lâu nay đã không biết cách sử dụng thời gian. Nữ sinh viên Hà Phương, Trường ĐH Sài Gòn thú thật: “Không chỉ mình mà với nhiều bạn cùng lớp nữa, chỉ biết dành thời gian rảnh rỗi đi trà sữa, đi cà phê rồi ngồi tụm lại “tám” chuyện trên trời dưới đất, về nhà thì lên mạng chat chit, chứ ít học bài lắm”. Cô Lê Thị Nhàn, một chủ nhà trọ ở hẻm đường Ngô Quyền (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), nơi gần cơ sở học của Trường ĐH Hồng Bàng, cho biết: “Ở dãy trọ nhà cô, với 6 phòng trọ tập trung gần cả 30 đứa sinh viên, thế nhưng chỉ có vài ba đứa là sáng sớm dậy đi học, tưởng mấy đứa còn lại học buổi chiều, nhưng không phải, toàn thức đêm chơi rồi ngủ ngày bù, có đứa cả tháng chẳng thèm đến trường. Ăn, chơi, rồi ngủ y như là quy luật mặc định rồi”.
Hãy sử dụng thời gian có mục đích
Cô Nhàn nói thêm: “Là sinh viên, nên cố gắng học tập, nên tận dụng tối đa thời gian cho việc học, chứ cứ như vậy sẽ tạo thành thói quen không tốt rồi trở thành “bệnh mãn tính” không chữa được”.
Cùng quan điểm, bạn Trần Thị Hà, SV Trường ĐH Kinh tế cho rằng: “SV chủ yếu là tự học, nên đừng để lãng phí thời gian một cách vô ích, phải biết cách sử dụng thời gian có mục đích mà dành cho việc học là điều đáng quan tâm nhất. Học ở trên lớp không bao giờ là đủ, mà phải biết tìm tòi từ trên sách báo và nhiều tài liệu khác nữa, nếu SV nào cũng biết điều đó thì dù thời gian có nhiều đến nhường nào cũng không bao giờ đủ”.
Đừng phí thời gian! 
Xin được bắt đầu bằng một vài dòng trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alexeevich Ostrovsky: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Lời nói ấy từ lâu đã trở thành phương châm sống cho nhiều thanh niên trên thế giới. Ấy vậy mà, thật buồn khi nghĩ lại giới trẻ ngày nay, nhiều và rất nhiều bạn trẻ đã và đang lãng phí thời gian để lao theo những điều vô bổ. 
Internet ra đời, đồng ý đã đem lại nhiều sự thay đổi, đã bổ trợ nhiều điều trong đời sống, học tập. Thế nhưng chỉ đem lại cái “lợi” cho những ai biết khai thác và tận dụng nó vào những điều giúp ích cho mình. Còn đằng này, nhiều người lại sử dụng vào những trò vô bổ. Nào chat chit, bói toán online, mê mẩn blog, facebook… và trên hết đó là nghiện game online. Đừng phí thời gian! Hãy tự mình biết cách quản lý thời gian một cách hợp lý, hãy đặt ra mục tiêu hướng đến và cần đạt được trong học tập và trong công việc. Đồng thời phải biết nỗ lực vươn lên và loại bỏ ngay những thói quen xấu mà bấy lâu nay chúng ta mắc phải. Có như vậy, chúng ta mới không sống hoài, sống phí, mới đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
ÁNH MY – NGUYỄN THANH NAM

Bình luận (0)